Kỷ nguyên từ thiện Bill Gates và Warren Buffett sắp khép lại?

27/05/2025 13:00

Sự rút lui của hai “huyền thoại” từ thiện đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ: Phụ nữ siêu giàu đang nổi lên như lực lượng tiên phong tái định nghĩa cách làm thiện nguyện.

Tỷ phú Bill Gates và tỷ phú Warren Buffett. Ảnh: Reuters.

Hơn 240 tỷ phú trên khắp thế giới đã cam kết đóng góp khoảng 600 tỷ USD cho hoạt động từ thiện - con số chưa từng có trong lịch sử. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng kỷ nguyên thống trị của các tỷ phú nam thuộc thế hệ baby boomer như Bill Gates và Warren Buffett trong lĩnh vực thiện nguyện đang dần khép lại.

Giờ đây, một thế hệ người dẫn đường mới đang nổi lên: Phụ nữ siêu giàu với cách tiếp cận mới mẻ, ít phô trương và đề cao niềm tin.

Bill Gates và Warren Buffett từng mở ra một "kỷ nguyên vàng mới" trong hoạt động thiện nguyện, với tầm ảnh hưởng được ví như các đại phú hào Rockefeller và Carnegie.

Thế nhưng, diện mạo của ngành từ thiện đang thay đổi mạnh mẽ khi các chính sách thuế mới đe dọa đến những tổ chức có xu hướng tự do, đồng thời những phương thức quyên góp mới do các tên tuổi nổi bật như MacKenzie Scott (vợ cũ của tỷ phú Jeff Bezos) đang ngày càng phổ biến.

Gates, Buffett lùi bước

Đầu tháng này, Bill Gates tuyên bố sẽ chấm dứt hoạt động của Quỹ Gates Foundation vào năm 2045, với mục tiêu phân phối toàn bộ 200 tỷ USD trước thời điểm đó, đồng thời đẩy nhanh tiến trình từ bỏ khối tài sản cá nhân trị giá 100 tỷ USD.

“Mọi người đang dõi theo để xem rằng liệu ai sẽ bước tiếp con đường của ông ấy và theo cách nào”, Amir Pasic, Hiệu trưởng Trường Từ thiện Lilly thuộc Đại học Indiana, chia sẻ với Fortune.

Trong khi đó, Warren Buffett - người sáng lập “Cam kết cho đi” (Giving Pledge) quy tụ 240 tỷ phú cùng cam kết đã hứa đóng góp 600 tỷ USD cho từ thiện - cũng vừa thông báo kế hoạch rút khỏi cương vị điều hành Berkshire Hathaway ở tuổi 94.

Điều này khiến giới quan sát đặt câu hỏi: Ai sẽ tiếp nối ngọn đuốc từ thiện khi Buffett chính thức rời khỏi ánh đèn sân khấu?

tu thien anh 1

Bill Gates và Warren Buffett được ví như những Rockefeller và Carnegie của thế kỷ 21, khi mở ra một kỷ nguyên mới cho hoạt động từ thiện với tầm ảnh hưởng toàn cầu. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, các chuyên gia đồng thuận rằng: Sự thay đổi là không thể tránh khỏi nhưng không có nghĩa hoạt động từ thiện sẽ dừng lại. Trái lại, nó có thể mở ra cánh cửa cho một thế hệ nhà tài trợ đa dạng hơn, đặc biệt là phụ nữ.

“Chúng ta có thể sẽ thấy nhiều phụ nữ bước ra khỏi bóng tối”, Pasic nhận định.

Từ thiện trong kỷ nguyên mới: Niềm tin thay thế sự kiểm soát

Trong nhiều thập kỷ, các tỷ phú Mỹ đã sử dụng mô hình lập quỹ để quyên góp. Tuy nhiên, điều này đang bị đe dọa khi Hạ viện Mỹ vừa thông qua gói ngân sách mới, áp mức thuế 10% với các quỹ từ thiện có tài sản vượt 5 tỷ USD.

“Điều đáng ngại ở đây là mức thuế này sẽ đánh mạnh vào các quỹ từ thiện tự do lớn như Gates, Ford và Soros”, Kathleen McCarthy, Giám đốc Trung tâm Từ thiện của Đại học CUNY, cảnh báo. “Trong khi đó, các quỹ bảo thủ thường nhỏ hơn và chỉ phải chịu mức thuế thấp hơn”.

Hàng nghìn quỹ từ thiện do các tỷ phú tự do lãnh đạo như Bill Gates, MacKenzie Scott, George Soros và Mark Zuckerberg có thể bị ảnh hưởng nặng nề. Điều này buộc họ phải thay đổi cách tiếp cận với hoạt động thiện nguyện.

“Khi đối mặt với viễn cảnh bị buộc phải chấm dứt quỹ, các tỷ phú sẽ bắt đầu tìm kiếm những cơ chế thay thế”, McCarthy nói.

Một trong những mô hình đang gây chú ý là "từ thiện ẩn danh" của MacKenzie Scott - nơi bà quyên góp trực tiếp cho các tổ chức phi lợi nhuận mà không đòi hỏi báo cáo hay ràng buộc, dựa hoàn toàn vào niềm tin.

Theo McCarthy, trong bối cảnh các quỹ truyền thống gặp rào cản thuế, mô hình quyên góp trực tiếp, đơn giản và không phô trương của Scott có thể trở thành khuôn mẫu cho thế hệ tỷ phú tiếp theo.

Một mô hình đang được chú ý là “cho đi thầm lặng” của MacKenzie Scott. Thay vì lập quỹ đồ sộ, Scott chọn cách tiếp cận đặt trọn niềm tin vào người nhận khi âm thầm chuyển hàng tỷ USD đến các tổ chức phi lợi nhuận mà không yêu cầu báo cáo hay minh chứng.

“MacKenzie Scott không chỉ là người tiên phong, mà còn tạo ra một điểm tựa đạo đức tương tự vai trò của Gates trước đây”, Bella DeVaan, Phó giám đốc Sáng kiến Cải cách Từ thiện tại Viện Chính sách, nhận định.

tu thien anh 2

Mô hình "từ thiện ẩn danh" của MacKenzie Scott đang gây chú ý và được cho là sẽ dẫn dắt xu hướng từ thiện mới tại Mỹ. Ảnh: Reuters.

Đến nay, thông qua tổ chức Yield Giving, Scott đã đóng góp hơn 19,25 tỷ USD cho hơn 2.450 tổ chức trên khắp nước Mỹ. Đây có thể là hướng đi giúp nhiều tỷ phú giảm gánh nặng thuế và tiếp tục sứ mệnh từ thiện một cách hiệu quả hơn.

Phụ nữ đang dẫn đầu làn sóng từ thiện mới

Khi được hỏi ai sẽ là người kế thừa di sản của Gates và Buffett trong lĩnh vực từ thiện, các chuyên gia đều nhắc đến cái tên MacKenzie Scott như một hình mẫu mới. Không ồn ào, không yêu cầu báo cáo minh bạch, Scott tin tưởng tuyệt đối vào các tổ chức mà bà hỗ trợ.

“Cô ấy đang làm một điều táo bạo: giao tiền cho người khác mà không cần kiểm soát, đối lập hoàn toàn với cách tiếp cận quản lý mang tính kỹ trị của Gates”, Pasic phân tích.

Ngoài Scott, Melinda French Gates - vợ cũ của tỷ phú Bill Gates, đồng sáng lập Quỹ Gates - cũng được kỳ vọng sẽ tiên phong trong mô hình từ thiện dạng công ty TNHH (philanthropic LLC), giúp linh hoạt hơn trong quản lý và tránh được những rào cản pháp lý mới.

Vợ chồng Mark Zuckerberg và Priscilla Chan cũng đang mạnh tay đầu tư vào các dự án y tế - một hình thức từ thiện gắn liền với đổi mới công nghệ và sức khỏe con người.

Thực tế, phụ nữ đã đóng vai trò quan trọng trong hoạt động từ thiện từ rất lâu, chỉ là họ thường ở phía sau hậu trường. Điển hình là Madam C.J. Walker - nữ triệu phú da màu tự thân đầu tiên ở Mỹ, đã tài trợ cho nhiều tổ chức và trường học vào đầu thế kỷ 20.

Sự trỗi dậy của phụ nữ trong lĩnh vực từ thiện ngày nay gắn liền với sự độc lập tài chính ngày càng rõ rệt. Không chỉ giữ vị trí lãnh đạo tại các tập đoàn lớn, nhiều phụ nữ còn chứng tỏ năng lực tài chính vượt trội và có xu hướng sử dụng tài sản để thúc đẩy thay đổi xã hội.

“Phụ nữ ngày nay không ngại nắm quyền kiểm soát tài chính, không ngại nghiên cứu kỹ lưỡng và sẵn sàng phá vỡ hệ thống cũ để kiến tạo tương lai”, McCarthy kết luận.

Nên đầu tư tiền vào đâu?

Trong hơn 200 năm qua, mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, thị trường chứng khoán vẫn là nơi tốt nhất để các nhà đầu tư dài hạn xây dựng sự sung túc. Nhưng để thành công trong mảng này, cần hiểu rõ các quy luật của thị trường, hiểu các mùa hoạt động của nó. Câu hỏi lớn nhất về tài chính trong tâm trí tất cả chúng ta ngày nay là gì? Theo kinh nghiệm của tác giả Anthony Robbins trong cuốn Đầu tư thông minh, chúng ta đều đang tìm kiếm câu trả lời cho cùng một vấn đề: “Tôi nên đặt tiền của mình vào đâu?”.

Bạn đang đọc bài viết "Kỷ nguyên từ thiện Bill Gates và Warren Buffett sắp khép lại?" tại chuyên mục Tài chính. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline 0903 78 12 09 hoặc gửi email về địa chỉ: phutrachnoidung@gmail.com