Trung Quốc - thị trường tiêu thụ hơn 85% sản lượng sầu riêng toàn cầu mỗi năm - đang tự phát triển diện tích khá nhanh nhiều loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thanh long, sầu riêng. Sau khoảng 10 năm, diện tích trồng thanh long của Trung Quốc đã vượt Việt Nam.
Đối với sầu riêng, từ năm 2019, Trung Quốc đã thử nghiệm trồng tại đảo Hải Nam. Đến năm 2024, quốc gia này mở rộng diện tích trồng lên tới 2.700ha. Ngoài Hải Nam, các tỉnh như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam cũng đang tích cực thúc đẩy việc trồng sầu riêng quy mô lớn.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ngành sầu riêng Hải Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ tại thị trường Trung Quốc. Sầu riêng Hải Nam có ưu điểm về độ chín tự nhiên, không cần vận chuyển dài ngày, cùi dày, ngọt và ít nặng mùi hơn so với sầu riêng nhập khẩu.
Mùa thu hoạch sầu riêng ở đảo Hải Nam thường diễn ra từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, với các giống chủ yếu là Monthong, Musang King, Kanyao và một lượng nhỏ sầu riêng gai đen. Sản lượng sầu riêng dự kiến đạt gần 2.000 tấn trong năm nay, gấp nhiều lần so với vụ đầu tiên vào năm 2023.

Các giống sầu riêng được Trung Quốc trồng chủ yếu là Monthong, Musang King, Kanyao và một lượng nhỏ sầu riêng gai đen (Ảnh: CCTV).
"Tuy nhiên, ngành này cũng đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm kỹ thuật canh tác chưa đồng đều, chất lượng trái kém do thu hoạch sớm và chế biến sơ sài, cùng với các rủi ro từ thời tiết như bão", Cục Xuất nhập khẩu đánh giá.
Sự phát triển của sầu riêng Hải Nam đặt ra thách thức cho các nước xuất khẩu sầu riêng truyền thống như Thái Lan và Việt Nam. Để duy trì vị thế, cơ quan quản lý cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu cần tập trung vào nâng cao chất lượng và độ tươi của sản phẩm.
Một số chuyên gia cho rằng sầu riêng Hải Nam khó có thể thay thế hoàn toàn hàng nhập khẩu do yếu tố về nguồn gốc và hương vị đặc trưng. Thị trường sầu riêng Trung Quốc vẫn còn rất lớn và dư địa cho cả sầu riêng nội địa và nhập khẩu cùng tồn tại.
Theo số liệu thống kê từ Cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 6 đạt 806,9 triệu USD, tăng 20,7% so với tháng 6/2024. Đây là tháng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt cao nhất kể từ đầu năm. Tính chung, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 6 tháng đạt 3,1 tỷ USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết trong tháng 6 xuất khẩu rau, quả bứt phá ấn tượng với sự phục hồi của sầu riêng. Xuất khẩu sầu riêng đã sôi động trở lại, không chỉ sang thị trường Trung Quốc mà còn cả sang Thái Lan. Các vùng trồng sầu riêng trọng điểm như Tây Nguyên, Đông Nam Bộ - nơi có tỷ lệ nhiễm cadimi thấp, đã giúp hàng hóa đạt chuẩn xuất khẩu nhiều hơn.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng chủ động kiểm tra chất lượng từ vườn, siết chặt quy trình thu mua, đóng gói. Nguồn hàng sầu riêng tại Thái Lan bị gián đoạn giữa các vùng trồng, làm tăng nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam. Ngoài sầu riêng, nhiều mặt hàng khác như dừa, chanh leo, xoài chế biến cũng tăng trưởng tích cực trong tháng 6.