Lần đầu tiên có sandbox cho vay ngang hàng tại Việt Nam

02/07/2025 01:06

3 giải pháp được xem xét tham gia sandbox gồm chấm điểm tín dụng; chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API); và cho vay ngang hàng (P2P Lending).

Cho vay ngang hàng (P2P Lending) là một trong 3 giải pháp được xem xét tham gia cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Ảnh: Nam Khánh.

Trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ kỹ thuật do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) hỗ trợ, ủy thác qua Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) quản lý, sáng 1/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức Tọa đàm “Triển khai Nghị định 94 về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng”.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết Nghị định 94 có 3 giải pháp được xem xét tham gia cơ chế thử nghiệm (sandbox) gồm chấm điểm tín dụng; chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), và cho vay ngang hàng (P2P Lending).

“Có lẽ đây là sandbox đầu tiên của Việt Nam”, Phó thống đốc Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.

Về P2P Lending, cho vay ngang hàng là hình thức kết nối trực tuyến giữa người vay và người cho vay mà không cần qua trung gian tài chính truyền thống.

Gần một thập kỷ phát triển trong bối cảnh thiếu vắng hành lang pháp lý rõ ràng, thị trường cho vay ngang hàng tại Việt Nam từng rơi vào "vùng xám" pháp lý, dẫn đến nhiều biến tướng, rủi ro cho người vay lẫn nhà đầu tư.

Với việc đưa vào cơ chế thử nghiệm có kiểm soát theo Nghị định 94 của Chính phủ sẽ là bước ngoặt được kỳ vọng định hình lại toàn bộ thị trường cho vay.

Lãnh đạo NHNN cho biết trong quá trình triển khai sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực ngân hàng để đánh giá và đề xuất mở rộng các giải pháp tham gia cơ chế thử nghiệm.

sandbox anh 1

Phó thống đốc Phạm Tiến Dũng phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: NHNN.

Theo thống kê của NHNN, đến nay có khoảng 87% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng và các tổ chức được phép. Đây là điều kiện tiên quyết, tiền đề để ngành ngân hàng phát triển các dịch vụ tài chính, đặc biệt tài chính toàn diện trong đó có sự hỗ trợ của Fintech.

Phó thống đốc kỳ vọng với sandbox này, các doanh nghiệp Fintech có thể tiếp tục cống hiến cho sự phát triển của ngành tài chính tại Việt Nam, đặc biệt là giúp cho phát triển toàn diện, bao trùm, giúp những người yếu thế có thể sử dụng dịch vụ tài chính với giá hợp lý, chất lượng tốt.

Cũng tại tọa đàm, Phó giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Ron H.Slangen đánh giá hệ thống tài chính của Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển đổi lớn, được thúc đẩy bởi các công nghệ như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, open API, Blockchain và AI. Sự thay đổi này đang định hình lại hoạt động ngân hàng truyền thống và thúc đẩy sự trỗi dậy của các công ty công nghệ tài chính.

“Để thích ứng, ADB ủng hộ Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, thúc đẩy tài chính toàn diện và thân thiện với khí hậu, đồng thời cung cấp môi trường thuận lợi cho đổi mới công nghệ tài chính”, Phó giám đốc quốc gia ADB chia sẻ.

Ông Thomas Gass - Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam - cũng đồng tình và nhấn mạnh Thụy Sĩ là đối tác kiên định và đáng tin cậy của Việt Nam trong việc phát triển lĩnh vực tài chính trong nhiều năm. Với sự hỗ trợ phát triển công nghệ tài chính, Thụy Sĩ tái khẳng định sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác đó.

“Mục tiêu chung của chúng tôi là giúp Việt Nam xây dựng một hệ thống tài chính có khả năng phục hồi, sáng tạo và dễ tiếp cận với mọi người. Điều này giúp Việt Nam hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050”, ông Thomas Gass nói.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Bạn đang đọc bài viết "Lần đầu tiên có sandbox cho vay ngang hàng tại Việt Nam" tại chuyên mục Tài chính. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline 0903 78 12 09 hoặc gửi email về địa chỉ: phutrachnoidung@gmail.com