Không phải sầu riêng, loại quả của Việt Nam bất ngờ đắt hàng kỷ lục: xuất khẩu tăng hơn 100%, nông dân được mùa được giá

27/05/2025 08:30

EU, Nga, Mỹ, Hàn Quốc đều ưa chuộng loại quả này của Việt Nam.

Dứa là cây ăn trái được sản xuất và tiêu thụ phổ biến trên thế giới, ngành hàng này đã và đang trở thành nguồn thu ngoại tệ cho Việt Nam thông qua xuất khẩu.

Cụ thể, trong quý 1/2025, xuất khẩu quả dứa của Việt Nam thu về hơn 2,04 triệu USD, tăng trưởng mạnh 119,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ trọng theo đó cũng tăng lên từ 0,07% trong quý 1/2024 lên 0,18% quý 1/2025. Đáng nói đây là một trong 2 loại quả duy nhất có mức tăng trưởng hơn 100% trong 3 tháng đầu năm.

Không phải sầu riêng, loại quả của Việt Nam bất ngờ đắt hàng kỷ lục: xuất khẩu tăng hơn 100%, nông dân được mùa được giá- Ảnh 1.

Hiện nay trên thế giới có khoảng 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trồng dứa. Tổng diện tích trồng dứa trên toàn cầu hơn 400.000 ha, chủ yếu phân bố ở châu Á, châu Mỹ và châu Phi.

Top 10 nhà sản xuất dứa hàng đầu là Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Nigeria, Costa Rica, Mexico, Indonesia và Kenya. Sản lượng của những quốc gia này chiếm khoảng 73% tổng sản lượng dứa toàn cầu.

Thị trường dứa toàn cầu đang dần mở rộng đáng kể, với dự đoán cho thấy mức tăng trưởng từ 27,08 tỷ USD năm 2023 sẽ lên 28,7 tỷ USD trong năm 2024, ước tính đạt 36,8 tỷ USD vào năm 2028 và 39,13 tỷ USD vào năm 2029, phản ánh tốc độ CAGR 6,33% trong giai đoạn dự báo (2024 - 2029). Trong đó, Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực sản xuất và tiêu thụ dứa lớn nhất thế giới, do lượng tiêu thụ nội địa lớn và diện tích trồng dứa cao nhất.

Costa Rica, Indonesia và Philippines là ba nước sản xuất dứa hàng đầu trên thế giới trong năm 2021, trong đó riêng Costa Rica đã sản xuất được 2,9 triệu tấn. Các quốc gia này sản xuất trái cây chủ yếu cho thị trường trái cây tươi và công nghiệp chế biến.

Trong đó, Việt Nam gồm thị trường tiêu thụ dứa bao gồm nội địa và xuất khẩu, đối với kênh tiêu thụ tươi nội địa, trái dứa có mặt hầu hết các chợ bán lẻ. Xuất khẩu dứa của Việt Nam bao gồm dứa tươi và chế biến, tuy nhiên xuất khẩu dứa tươi hiện còn khiêm tốn, chủ yếu là xuất khẩu dưới dạng chế biến. 

Dự kiến, sản lượng dứa của Việt Nam sẽ đạt 800-900.000 tấn vào năm 2026. Con số này tăng so với mức 726.000 tấn vào năm 2021, tốc độ tăng trưởng trung bình 1,8% mỗi năm.

Ở Việt Nam, ĐBSCL là vùng trồng dứa lớn nhất, đã đạt 397,4 ngàn tấn vào năm 2022, chiếm đến 57% sản lượng dứa của cả nước. Năm nay, nhiều nông dân trồng dứa được mùa, thương lái thu mua nhiều khiến giá bán tăng cao, dao động từ 15-20.000 đồng/quả.

Thị trường xuất khẩu dứa chế biến của Việt Nam khá rộng lớn bao gồm thị trường EU, Nga, Mỹ, Hàn Quốc…; tuy nhiên, các sản phẩm dứa chế biến của Việt Nam phải chịu cạnh tranh rất gay gắt với nhiều nước xuất khẩu dứa lớn trên thế giới, trong đó có yếu tố hiệu suất chế biến dứa thấp khiến giá thành các sản phẩm dứa chế biến cao. Dù vậy, hiện nay dứa của Việt Nam vẫn chưa được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, chủ yếu theo đường tiểu ngạch.

Nhu cầu tiêu thụ dứa có xu hướng ngày càng tăng trong những năm gần đây khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe cùng với việc chuyển sang chế độ ăn thuần chay. Bên cạnh đó, bột dứa có thời hạn sử dụng lâu hơn và được sử dụng trong nhiều lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, dược phẩm... Đây sẽ là cơ hội cho các quốc gia sản xuất và xuất khẩu dứa, trong đó có Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường.


Bạn đang đọc bài viết "Không phải sầu riêng, loại quả của Việt Nam bất ngờ đắt hàng kỷ lục: xuất khẩu tăng hơn 100%, nông dân được mùa được giá" tại chuyên mục Xu hướng - Tiêu dùng. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline 0903 78 12 09 hoặc gửi email về địa chỉ: phutrachnoidung@gmail.com