Honda, Ford gặp khó kéo lợi nhuận một đối tác Việt chạm đáy 3 năm

18/05/2025 12:30

Sự cạnh tranh gay gắt giữa 2 đối tác liên doanh đã tạo áp lực lên giá bán, qua đó ảnh hưởng đến nguồn thu từ công ty liên doanh liên kết của VEAM.

VEAM nhận về hàng nghìn tỷ đồng cổ tức và lợi nhuận từ liên doanh với Honda và Ford. Ảnh: Reuters.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - VEAM (UPCoM: VEA) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.046 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dẫu vậy, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp lại giảm 11% xuống còn 1.278 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ quý III/2021.

VEAM cho biết nguyên nhân chính dẫn tới đà sụt giảm lợi nhuận này là do phần lợi nhuận được chia từ công ty liên doanh liên kết giảm 11% trong quý vừa vừa qua, chỉ đạt 1.100 tỷ đồng.

Theo thuyết minh, VEAM đã nhận về 2.540 tỷ đồng cổ tức và lợi nhuận được chia trong quý I, đều từ liên doanh với Honda.

Thực tế, mức đóng góp từ liên doanh với Honda trong quý này thấp hơn con số ghi nhận được cùng kỳ là 2.922 tỷ đồng.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán Vietcap cũng cho rằng sự sụt giảm lợi nhuận của VEAM trong quý đầu năm 2025 chủ yếu vì kết quả của Honda Việt Nam, bất chấp sản lượng bán xe máy tăng mạnh và sản lượng bán ôtô du lịch ổn định. Liên doanh Ford Việt Nam cũng ghi nhận kết quả lợi nhuận đi ngang bất chấp tăng trưởng sản lượng.

“Chúng tôi cho rằng nguyên nhân chính của kết quả trên đến từ các áp lực lên giá bán do cạnh tranh gay gắt của cả 2 thương hiệu, qua đó lấn át các đóng góp từ các mẫu xe mới hoặc các mẫu xe nâng cấp”, Vietcap nhận định.

Ngược lại, lợi nhuận của Toyota Việt Nam đã tăng mạnh 1.178% so với mức nền thấp trong quý I/2024 nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của sản lượng bán hàng.

Xét về doanh số bán hàng, sản lượng bán xe máy Honda đã ghi nhận mức phục hồi mạnh 24% so với cùng kỳ.

Sản lượng bán xe ôtô du lịch có sự phân hóa giữa các công ty liên kết. Trong khi Toyota ghi nhận đà phục hồi mạnh (+57%) và Ford tăng trưởng tốt (+18%) thì Honda vẫn duy trì ổn định (-1%). Diễn biến đi ngang của Honda nhiều khả năng được hỗ trợ bởi các mẫu xe nâng cấp như CR-V (CKD, SUV) và HR-V (CBU, SUV).

Hiện VEAM đang có khoản đầu tư 7.738 tỷ đồng vào các công ty liên doanh, liên kết, trong đó nổi bật là khoản đầu tư 6.302 tỷ đồng vào Honda Việt Nam, 563 tỷ đồng vào Toyota Việt Nam và 782 tỷ đồng vào Ford Việt Nam.

Tỷ lệ sở hữu của tổng công ty tại các liên doanh lần lượt là 30% tại Honda Việt Nam, 20% tại Toyota Việt Nam và 25% tại Ford Việt Nam. 3 liên doanh này được xem là “máy in tiền” của VEAM khi chiếm phần lớn nguồn lợi nhuận của tổng công ty.

PHẦN LỚN LỢI NHUẬN CỦA VEAM ĐẾN TỪ CÁC LIÊN DOANH VỚI HONDA, FORD, TOYOTA
KQKD hàng quý của VEAM; Nguồn: BCTC DN.
NhãnI/2023IIIIIIVI/2024IIIIIIVI/2025
Doanh thu thuần Tỷ đồng 10109748849748891024104911471046
Lợi nhuận sau thuế
137218091540157514351822166724971278

Chỉ riêng năm 2023, VEAM thu về hơn 6.800 tỷ đồng cổ tức từ các công ty liên kết, trong đó Honda Việt Nam đóng góp vượt trội với 5.844 tỷ đồng, Toyota Việt Nam mang về khoảng 660 tỷ đồng và Diesel Sông Công đóng góp 253 tỷ đồng.

Năm 2024, tổng mức cổ tức giảm còn 5.736 tỷ đồng, chủ yếu vì mức chi trả thấp hơn từ Honda (5.079 tỷ đồng) và Toyota (262 tỷ đồng) trong khi Diesel Sông Công tăng lên 334 tỷ đồng.

Bước sang năm 2025, VEAM xác định trọng tâm chiến lược là thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp. Kế hoạch đặt ra là đạt giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12% lên 3.758 tỷ đồng và doanh thu 4.735 tỷ đồng, tăng 8%.

Ngoài mục tiêu tăng trưởng truyền thống, VEAM cũng đang được Bộ Công Thương (cổ đông nắm giữ hơn 88% vốn) giao nhiệm vụ nghiên cứu khả năng tham gia vào các dự án mang tính chiến lược quốc gia, đặc biệt là các chuỗi cung ứng liên quan đến dự án đường sắt tốc độ cao và các ngành công nghiệp theo hướng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Cụ thể, VEAM đang nghiên cứu phát triển các sản phẩm cơ khí phục vụ ngành đường sắt như: hệ thống cấp điện thay ray thứ 3 hoặc cấp điện trên cao dùng điện một chiều cho đường sắt đô thị; hệ thống cấp điện xoay chiều cho đường sắt quốc gia và đường sắt tốc độ cao; phụ kiện đường ray và các cụm chi tiết chuyên dụng.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, tổng công ty đã đề xuất với Bộ Công Thương cho phép tham gia sản xuất các hạng mục như bu lông, tấm kẹp ray, động cơ điện, hộp giảm tốc, hệ thống phanh, chi tiết toa tàu, máy phát điện dùng trong hạ tầng đường sắt, kết cấu thép, thiết bị bảo dưỡng, trạm bảo trì đầu máy và toa xe...

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Bạn đang đọc bài viết "Honda, Ford gặp khó kéo lợi nhuận một đối tác Việt chạm đáy 3 năm" tại chuyên mục Tài chính. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline 0903 78 12 09 hoặc gửi email về địa chỉ: phutrachnoidung@gmail.com