Theo kế hoạch, liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ vào ngày mai (24/7). Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối phân phối xăng dầu phía Nam cho biết, sau kỳ điều hành trước, giá dầu thô tăng giảm trái chiều.
Ngày 21/7, giá xăng dầu nhập khẩu trên thị trường Singapore ở 78,69 USD/thùng với xăng RON 95, giảm gần 2 USD/thùng so với 5 ngày trước; xăng RON 92 ở mức 77 USD/thùng, giảm hơn 2 USD/thùng. Nhiều khả năng giá xăng trong nước sẽ giảm tiếp trong kỳ điều hành ngày 24/7.
Giá xăng dự kiến giảm khoảng 100-200 đồng/lít. Trong khi đó, dầu diesel có thể tăng 300-400 đồng/lít. Trường hợp liên Bộ chi Quỹ bình ổn, giá xăng dầu có thể được giữ nguyên.
Chủ một doanh nghiệp phân phối xăng dầu tại miền Bắc cũng dự báo giá xăng dầu sẽ biến động trái chiều trong kỳ điều hành ngày mai. Ngày 22/7, chiết khấu xăng tại một số kho đang ở mức 1.100-1.400 đồng/lít, dầu diesel ở mức 950-1.600 đồng/lít.
Nếu đúng như dự báo, giá xăng trong nước sẽ giảm 2 phiên liên tiếp chỉ sau một phiên tăng. Hiện tại, giá nhiên liệu này ở mức thấp trong 4 năm qua, tương đương thời điểm tháng 6/2021. Từ đầu năm đến nay, xăng RON 95 tăng 16 lần, giảm 14 lần. Dầu diesel có 15 lần tăng, 14 lần giảm và một lần giữ nguyên.
Ở lần điều chỉnh gần nhất ngày 17/7, xăng E5 RON 92 giảm 170 đồng/lít về 19.480 đồng/lít; xăng RON 95 cũng giảm 170 đồng/lít, còn 19.920 đồng/lít. Dầu diesel giảm 40 đồng/lít còn 18.790 đồng/lít, dầu hỏa tăng 50 đồng/lít lên 18.420 đồng/lít; dầu mazut giảm 90 đồng/kg về mức 15.470 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá dầu giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 21/7, khi các lệnh trừng phạt mới nhất của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu của Nga được đánh giá là sẽ không gây tác động lớn đến nguồn cung. Tuy nhiên, đà giảm bị hạn chế bởi lo ngại của giới đầu tư về khả năng thiếu hụt nguồn cung dầu diesel, theo Reuters.
Trước đó, EU đã đạt được thỏa thuận về gói trừng phạt thứ 18 nhằm vào Nga vì cuộc chiến tại Ukraine, bao gồm một loạt biện pháp nhằm tới ngành dầu mỏ và năng lượng của Moscow. Theo các nhà ngoại giao, gói trừng phạt mới nhất này sẽ hạ mức trần giá dầu thô của Nhóm G7 từ 60 USD xuống còn 47,6 USD mỗi thùng.
Tại Mỹ, số lượng giàn khoan dầu giảm còn 422 vào tuần trước – mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021, theo Baker Hughes. Chuyên gia Alex Hodes của StoneX nhận định hoạt động khoan dầu sẽ tiếp tục ở mức thấp trong năm nay, nhưng giá dầu hiện chưa thấp đến mức khiến các nhà đầu tư phải rút lui mạnh.
Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu của Mỹ đối với hàng hóa từ EU dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick tỏ ra lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận với EU.
Chuyên gia Kilduff của Again Capital nhận định thuế quan có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu dầu và tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, chuyên gia Tony Sycamore của IG cho rằng giá dầu có thể được hỗ trợ nếu dữ liệu cho thấy nguồn cung đang thắt chặt.
Dữ liệu của Trading Economics cho thấy, 23h30 ngày 22/7, giá dầu WTI được giao dịch ở mức 65,03 USD/thùng, giảm 1,53% so với tuần trước; tương tự, dầu Brent cũng ở mức 68,27 USD/thùng, giảm 1,46%.