![]() |
Cô dâu Trung Quốc chuyển sang thuê trang sức cưới cho tiết kiệm. Ảnh minh họa: Xiaohongshu. |
Tại Trung Quốc, việc đeo trang sức vàng trong lễ cưới mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc, tượng trưng cho sự giàu có, may mắn và cam kết bên nhau trọn đời của cặp đôi. Đặc biệt tại các tỉnh phía Nam, cô dâu thường nhận được trang sức vàng từ người thân trong gia đình như một lời chúc phúc. Tuy nhiên, truyền thống này đang trở thành gánh nặng tài chính khi giá vàng tăng chóng mặt, Sixth Tone đưa tin.
Theo số liệu, giá bán lẻ trang sức vàng tại Trung Quốc đã tăng hơn 35% kể từ năm 2024, vượt mốc 1.000 NDT/g (khoảng 139 USD). Tính đến ngày 21/5, thương hiệu trang sức nổi tiếng Chow Tai Fook báo giá 1.008 NDT/g. Trong khi đó, chi phí thuê trang sức vàng chỉ dao động từ 10-20 NDT/g (khoảng 1,4-2,1 USD), tùy thuộc vào trọng lượng và thiết kế.
Ví dụ, một bộ trang sức vàng 100 g có giá mua khoảng 100.000 NDT (khoảng 139.000 USD) nhưng chi phí thuê chỉ khoảng 1.500 NDT/ngày (khoảng 208 USD), tương đương 1,5 % giá mua.
Ngoài yếu tố chi phí, tính thực dụng cũng là động lực thúc đẩy xu hướng này. Nhiều cặp đôi cho rằng trang sức cưới thường quá cầu kỳ, chỉ sử dụng một lần trong ngày trọng đại và họ hiếm khi đeo lại.
![]() |
Nhiều người cho rằng thuê vàng làm mất đi ý nghĩa truyền thống. Ảnh minh họa: VCG. |
Một phụ nữ sinh giữa những năm 1990 chia sẻ rằng cô ưu tiên dùng số tiền tiết kiệm từ việc thuê vàng để chi tiêu cho tuần trăng mật, sắm đồ nội thất hoặc đầu tư vào vàng miếng.
Xu hướng này đã làm dấy lên tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc. Chủ đề về thuê trang sức vàng thu hút hơn 900.000 bài đăng trên nền tảng phong cách sống Xiaohongshu và hơn 10 triệu lượt xem trên Weibo. Ý kiến chia làm 2 luồng, một số người ủng hộ đây là giải pháp tiết kiệm và hợp lý, trong khi số khác lo ngại về rủi ro mất mát hoặc cho rằng việc thuê vàng làm mất đi ý nghĩa truyền thống.
Dù tiết kiệm, việc thuê vàng không hẳn là giải pháp lý tưởng. Nhiều người dùng mạng xã hội chỉ ra rằng chi phí thuê không hề rẻ và tiềm ẩn nguy cơ mất mát hoặc hư hỏng. Một chủ cửa hàng trang sức tiết lộ rằng họ không cung cấp dịch vụ cho thuê do lo ngại về hao mòn, hàng giả và những rủi ro không lường trước trong đám cưới.
Những người theo chủ nghĩa truyền thống lại cho rằng việc thuê vàng làm giảm giá trị của món quà cưới, vốn mang ý nghĩa chúc phúc và đảm bảo tài chính cho đôi uyên ương. Một số ý kiến khác đi xa hơn, đặt câu hỏi về sự cần thiết của chính truyền thống đeo vàng. Họ cho rằng thay vì thuê, việc mua trang sức vàng giả với chi phí thấp hơn nhiều có thể là giải pháp tiện lợi hơn.
“Mua vàng giả còn đơn giản hơn thuê", một bình luận được nhiều lượt thích trên Weibo viết.
Hầu hết dịch vụ cho thuê trang sức vàng trên Xiaohongshu tập trung tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), nơi truyền thống đeo vàng phổ biến hơn cả.
Một nhà cung cấp tại Thâm Quyến (Trung Quốc) cho biết họ yêu cầu đặt cọc 120% giá trị thị trường của món trang sức, cùng với bản sao chứng minh nhân dân và giấy đăng ký kết hôn.
Các vết xước nhỏ hoặc hư hại nhẹ thường được chấp nhận, miễn là trọng lượng món trang sức không đổi. Tuy nhiên, nếu làm mất món trang sức, khách hàng phải bồi thường toàn bộ giá trị theo giá vàng thị trường ngày đó.
“Việc thuê vàng phản ánh sự thay đổi trong tư duy tiêu dùng của giới trẻ, ưu tiên tính thực tế, tiết kiệm chi phí, linh hoạt và trải nghiệm tổng thể", Giáo sư Liu Chunsheng từ Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương (Trung Quốc), nhận định. Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn các nền tảng cho thuê uy tín và cửa hàng được chứng nhận để tránh rủi ro lừa đảo.
![]() |
Việc đi thuê trang sức cưới giúp nhiều cô dâu có thêm chi phí cho tuần trăng mật, sắm đồ nội thất Ảnh minh họa: Xiaohongshu. |
Tháng trước, giá vàng tại Trung Quốc chạm mức kỷ lục do những bất ổn liên quan đến chính sách thuế quan của Mỹ và tác động kinh tế.
Giá vàng giao ngay đạt 3.357,92 USD/ounce (khoảng 787 NDT/g), trước khi giảm xuống còn 3.230,7 USD/ounce vào ngày 22/5. Sự biến động này đã khiến nhiều người bán bớt vàng dự trữ, đồng thời làm tăng sức hút của các giải pháp thay thế như thuê trang sức.
Lầm tưởng của người mới đầu tư chứng khoán
Cuốn sách Tôi thích tiền nhưng ngại đầu tư của tác giả Bbyonggeul cung cấp những kiến thức dễ hiểu về quản lý tài chính cá nhân, giúp người đọc tiêu tiền một cách khôn ngoan. Tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát chi tiêu và thiết lập tư duy đầu tư đúng đắn trước khi tham gia thị trường chứng khoán, đồng thời cảnh báo về những lầm tưởng và rủi ro khi đầu tư mà không có kiến thức đầy đủ.