Đại gia Đường "bia" trình làng các công trình cầu cạn áp dụng công nghệ PRC V+ đầu tiên tại Việt Nam: Tiết kiệm 45% thép, 50% bê tông

28/07/2025 08:02

Chiều ngày 27/7, Công ty TNHH Hòa Bình do ông Nguyễn Hữu Đường làm Chủ tịch đã tổ chức lễ khánh thành các công trình đường cầu cạn trung tâm thương mại V+ (trên đường Lĩnh Nam). Dự án bao gồm: cao tốc 3 làn xe, đường sắt đô thị (cả tàu bánh sắt và bánh lốp), cầu dân sinh, vỉa hè vĩnh cửu...

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Hữu Đường chia sẻ: "Tháng 9/2023, tôi quyết định thành lập một ban chuyên trách để nghiên cứu và xây dựng hệ thống đường cao tốc và đường sắt đô thị theo những phát minh khoa học tiên tiến nhất thế giới, đó là đường xây dựng trên cọc ly tâm và tấm panel".

Thời điểm ấy, các nước như Trung Quốc chỉ mới nghiên cứu được hệ thống này từ năm 2000 đến tháng 9/2023. Tuy nhiên, cũng ngay trong tháng 9/2023, Công ty Hòa Bình đã thành lập ban nghiên cứu và phát triển ra phương pháp mới: xây dựng đường trên cọc ly tâm và tấm panel bản rỗng - điều mà đến nay thế giới vẫn chưa thực hiện.

Tấm panel bản rỗng này giúp giảm 50% lượng bê tông và 45% lượng thép sử dụng, tiết kiệm đáng kể chi phí và giảm tải trọng công trình. Đến tháng 12/2023, phương pháp đã được thử nghiệm thành công, ông Đường nhấn mạnh.

Đại gia Đường

Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Công ty TNHH Hòa Bình.

Sau đó, vào tháng 2/2024, Công ty Hòa Bình đã thi công đoạn đường dài 55m, rộng 11m phục vụ các phương tiện siêu trường, siêu trọng. Ngày 22/4/2024, tuyến đường được khánh thành sau khi thử tải và đạt các tiêu chuẩn quốc tế.

Đến ngày 1/7/2025, Công ty tiếp tục triển khai tuyến thử nghiệm thứ hai dài 30m, rộng 18m. Ông Đường yêu cầu công trình phải hoàn thành trong vòng 20 ngày, bắt đầu từ ngày 5/7. Dù gặp nhiều khó khăn trong việc ép cọc do nằm trong khu dân cư, tiếng ồn bị hạn chế và sử dụng phương pháp ép đinh phức tạp, nhưng công trình đã hoàn tất vào ngày 25/7.

Đáng chú ý, trong quá trình thi công, bão số 3 (Whipha) dự kiến đổ bộ Hà Nội nhưng may mắn không gây ảnh hưởng lớn, giúp việc đổ bê tông diễn ra suôn sẻ.

Tuyến đường mới có ba làn xe: hai làn cho tốc độ tối thiểu 120 km/h và một làn khẩn cấp được ông Đường tận dụng làm làn ưu tiên. Phía dưới là tuyến đường là một trung tâm thương mại V+ rộng 10m, dài 18m, được cách âm hoàn toàn. Công trình còn tích hợp hệ thống cấp – thoát nước hiện đại, độ dày sàn lên tới 70–80 cm.

PGS.TS. Nguyễn Lan, Chủ nhiệm công trình kiểm định – thử tải của Đại học Bách khoa Đà Nẵng đánh giá: "Sau khi thử tải bằng ba xe siêu trường, siêu trọng chạy tiến lùi 10 lần cùng lúc, độ lún đo được chưa tới 1mm, trong khi tiêu chuẩn cho phép tại Việt Nam là 10–11mm. Đây là con đường có thể tồn tại hàng nghìn năm, nhờ ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất hiện nay".

Cùng với đó, theo nhiều chuyên gia trong ngành, nếu được triển khai rộng rãi, giải pháp này có thể giúp tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, tạo bước đột phá trong xây dựng hạ tầng đô thị, đường cao tốc và đường sắt tại Việt Nam, đồng thời đưa nước ta tiệm cận trình độ công nghệ xây dựng hàng đầu thế giới.

Hòa Bình Group (Công ty TNHH Hòa Bình) do ông Nguyễn Hữu Đường – thường gọi là đại gia Đường "bia" thành lập từ năm 1993. Tập đoàn sở hữu nhiều dự án bất động sản lớn, nổi bật là khách sạn dát vàng Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake. Hòa Bình Group còn được biết đến với các sáng kiến phát triển nhà ở xã hội chất lượng cao và nhiều góp ý liên quan đến thiết kế và thi công đường cao tốc tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Hữu Đường cũng được biết đến là một cựu binh, nhưng vẫn luôn mang trong mình khát vọng được “làm điều gì đó lớn lao cho đất nước”. Thông qua công trình này, được khánh thành vào đúng dịp Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7, ông mong muốn còn là minh chứng cho việc khoa học công nghệ không chỉ phục vụ sản xuất, mà còn là lời tri ân với quá khứ, hành động vì tương lai.

Trước đó, ngày 4/3/2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với Công ty Hòa Bình, đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học & Công nghệ và các chuyên gia để trao đổi về việc xây dựng cao tốc cầu cạn, đường sắt đô thị trên cao bằng công nghệ cầu bản rỗng trên cọc bê tông cường độ cao (PRC) V+.

Theo Công ty Hòa Bình, công nghệ cầu bản PRC V+ sử dụng cọc bê tông ly tâm dự ứng lực kết hợp với tấm panel bản rỗng có sườn dự ứng lực, thay thế phương pháp đúc cọc, dầm bê tông tại chỗ vốn tốn kém thời gian và chi phí.

Với công nghệ mới này, các cấu kiện bê tông được sản xuất hàng loạt trong nhà máy, chuẩn hóa và lắp ráp tại công trường, giúp rút ngắn thời gian thi công, đồng thời đảm bảo chất lượng dầm, cọc và tiết kiệm chi phí đáng kể.

Công nghệ PRC V+ đã được áp dụng tại một số quốc gia như Trung Quốc, Đức, Malaysia, Indonesia và Đài Loan. Tại Việt Nam, từ tháng 2 đến tháng 6/2024, Hòa Bình Group đã tiến hành thử nghiệm xây dựng đoạn cao tốc cầu cạn 2 tầng tại khu phi thuế quan Xuân Cầu – Lạch Huyện (Hải Phòng). Đoạn thử nghiệm có tổng chiều dài tầng 1 khoảng 550m, tầng 2 khoảng 100m, rộng 10,5m, được thi công trong 2 tháng và đã qua kiểm định, thử tải đạt tiêu chuẩn thiết kế.

Bạn đang đọc bài viết "Đại gia Đường "bia" trình làng các công trình cầu cạn áp dụng công nghệ PRC V+ đầu tiên tại Việt Nam: Tiết kiệm 45% thép, 50% bê tông" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline 0903 78 12 09 hoặc gửi email về địa chỉ: phutrachnoidung@gmail.com