
Ảnh: Hoàng Triều (Người Lao Động)
Sáng 27/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.
Về nội dung sửa đổi liên quan đến hình phạt tử hình, dự thảo Luật dự kiến bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội) tại 8/18 tội danh (44,44%) có khung hình phạt tử hình ở Bộ luật Hình sự hiện hành.
8 tội danh có khung hình phạt tử hình của Bộ luật Hình sự hiện hành dự kiến bỏ hình phạt tử hình và thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án gồm:
- Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109);
- Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (Điều 114);
- Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194);
- Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421);
- Tội gián điệp (Điều 110);
- Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250),
- Tội tham ô tài sản (Điều 353),
- Tội nhận hối lộ (Điều 354).
Đồng thời, bổ sung trường hợp không thi hành án tử hình đối với người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, người nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS, đang có nhiễm trùng cơ hội.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Ảnh: Quochoi.vn)
Theo VOV, nêu ý kiến, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) thể hiện thống nhất với việc bỏ hình phạt tử hình ở 5/8 tội danh. Với ba tội danh tham ô, nhận hối lộ và tội vận chuyển trái phép chất ma túy, đại biểu đồng tình với ý kiến của đại biểu Phong Lan (Đoàn TP.HCM) về việc giữ lại hình phạt tử hình.
Ông Hòa nêu lý do là vì tính răn đe, phòng ngừa. Theo đại biểu, thực tế, chưa từng có trường hợp nào bị tử hình về tội tham ô, tham nhũng. Tuy nhiên gần đây, trong một số vụ án như vụ SCB, Viện Kiểm sát đã đề nghị tử hình. Đáng chú ý, khi có đề nghị tử hình, gia đình các bị cáo đã tự nguyện nộp lại tài sản để khắc phục hậu quả, mong được giảm án.
Theo ông Hòa, việc giữ lại án tử hình đối với hai tội này nhằm mục đích phòng ngừa, răn đe, cảnh tỉnh, đặc biệt trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang quyết liệt đấu tranh, trừng trị thích đáng tội phạm tham nhũng. Dù có thể không thi hành án tử hình, nhưng việc tuyên án sẽ tạo áp lực để đối tượng khắc phục hậu quả, từ đó có thể được giảm án xuống chung thân, 20 năm hoặc 15 năm tù.
"Ví dụ, trong vụ án Trương Mỹ Lan, SCB, thiệt hại ước tính cả triệu tỷ đồng. Nếu thu hồi tài sản khủng từ vụ án này, chúng ta đã có thể xây dựng 50% tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam", ông Hòa nói.
Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (Đoàn TP.HCM) cũng lấy dẫn chứng điển hình từ vụ án Trương Mỹ Lan tại Ngân hàng SCB.
Theo đại biểu, tội tham ô hiện nay không chỉ xảy ra trong khu vực công mà còn lan sang khu vực tư nhân. Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, bị cáo đã chi phối, thao túng hệ thống ngân hàng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Dù đã có nhiều nỗ lực khắc phục nhưng thiệt hại để lại là quá lớn, khó có thể đo đếm.
Với tội nhận hối lộ, đại biểu Sang cũng giữ quan điểm như trên. Ông cho rằng, việc giữ hình phạt tử hình có tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành vi của các đối tượng phạm tội, từ đó giúp tăng hiệu quả trong thu hồi tài sản, bảo vệ uy tín của hệ thống chính trị.
Trước đó, vào ngày 21/4, HĐXX TAND cấp cao tại TPHCM đã tuyên án phúc thẩm giai đoạn 2. Bà Trương Mỹ Lan được giảm án từ tù chung thân xuống 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, y án 12 năm tù tội “Rửa tiền” và y án 8 năm tù tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.
Ở giai đoạn 1 của vụ án, bà Trương Mỹ Lan đã bị phạt mức án tử hình. Tổng hợp hình phạt chung cho 2 giai đoạn, bà Trương Mỹ Lan phải chấp hành là tử hình.
Về trách nhiệm dân sự, 2 bản án tuyên bà Trương Mỹ Lan bồi thường toàn bộ thiệt hại hơn 30.000 tỷ đồng cho trái chủ, và hơn 677.000 tỷ đồng cho Ngân hàng SCB.