Cổ phiếu Vingroup tăng mạnh, VN-Index áp sát đỉnh lịch sử

14/07/2025 20:30

Thị trường xuất hiện tín hiệu chốt lời tại một số nhóm tăng "nóng" thời gian qua như ngân hàng, chứng khoán. Tuy nhiên, dòng tiền lại chuyển hướng sang nhóm bất động sản, bán lẻ.

Cổ phiếu bất động sản củng cố đà tăng của VN-Index. Ảnh: Phương Lâm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có thêm một phiên tăng điểm ấn tượng vào ngày 14/7. VN-Index mở cửa trong sắc xanh, ghi nhận cách biệt lớn với tham chiếu, nhưng sớm trải qua một nhịp trồi sụt dữ dội trước áp lực chốt lời.

Tuy nhiên, sự chủ động của dòng tiền nhập cuộc nhanh chóng giúp chỉ số lấy lại cân bằng. VN-Index nhờ đó duy trì quán tính đi lên thuận lợi.

Kết phiên, VN-Index tăng 12,66 điểm (+0,9%) lên 1.470,42 điểm; HNX-Index tăng 0,8 điểm (+0,3%) lên 239,61 điểm; riêng UPCoM-Index quay đầu giảm 0,05 điểm (-0,1%) xuống 102,67 điểm.

Không khí giao dịch sôi nổi trên toàn thị trường chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, qua đó giúp thanh khoản neo ở mốc cao 34.366 tỷ đồng.

Trên bảng điện tử, sắc xanh vẫn thắng thế với 463 mã tăng (gồm 34 mã tăng trần), 802 mã giữ tham chiếu và 338 mã giảm (gồm 7 mã giảm sàn).

Trong đó, rổ cổ phiếu vốn hóa lớn ghi nhận 18 mã tăng, 11 mã điều chỉnh và duy nhất ACB đứng giá. Chỉ số VN30-Index tiếp tục lập kỷ lục mới ở mốc 1.605 điểm.

co phieu vingroup anh 1

VN-Index đã tăng 6 phiên liên tiếp với biên độ 2 con số. Ảnh: TradingView.

Động lực kéo VN-Index đi lên hôm nay tiếp tục do bộ đôi “họ Vin” gồm VIC (+4,6%) và VHM (+1%) chi phối. Bên cạnh đó, nhóm có mức đóng góp tích cực lên chỉ số còn có VPB (+4,2%), GVR (+2,2%), BID (+0,9%), GEE (+4,9%), MWG (+1,6%), PNJ (+5,3%), EIB (+3,3%) và DXG (tăng trần).

Trong phiên giao dịch hôm nay, có thời điểm cổ phiếu VIC được kéo lên mức tăng kịch biên độ 7%. Tuy nhiên, áp lực bán ra đã khiến cổ phiếu này hạ nhiệt, đóng cửa ở mức 113.000 đồng/cổ phiếu (+4,63%). Dù vậy, tính trong một tuần gần nhất thị giá VIC đã tăng 23%, nâng mức tăng trong 3 tháng gần nhất lên gần 61%.

Đà tăng phiên hôm nay cũng giúp vốn hóa Vingroup đạt trên 432.000 tỷ đồng, tiếp tục duy trì vị trí top 2 sàn chứng khoán Việt Nam, chỉ sau Vietcombank (gần 520.000 tỷ).

Trái lại, áp lực kéo chân VN-Index chủ yếu đến từ các mã VCB (-0,5%), MSN (-1,6%), CTG (-0,7%), HPG (-1%), VJC (-1%), GMD (-2%), LPB (-0,5%), GEX (-0,8%), VPI (-1,5%) và PLX (-0,5%).

Trong bối cảnh nhóm tài chính - ngân hàng có dấu hiệu phân hóa, các cổ phiếu bất động sản đã trở thành nhân tố chính dẫn dắt thị trường. Ngoài bộ đôi “họ Vin” và DXG, nhóm này còn chứng kiến nhiều mã có biên độ tăng ấn tượng như CEO (+3,2%), PDR (+4,8%), KBC (+3,1%), KDH (+3,1%), TCH (+4,2%), SCR (+3,7%) còn HDC, LDG, DXS, NHA, API, FIR, IDJ tăng trần.

Nhóm cổ phiếu phân phối, bán lẻ, hàng tiêu dùng cũng trở thành điểm sáng với những FRT (+4%), DGW (+1,4%), HHS (+1,2%), PET (+3,9%), TNG (+1%), CSM (tăng trần), HUT (+2,2%), HAX (+1%).

Các cổ phiếu điện cũng dậy sóng với POW (+3,7%), HDG (+2%), REE (+2,4%), GEG (+1,9%).

Khối ngoại duy trì vị thế mua ròng sang phiên thứ 9 liên tiếp. Song, quy mô đã thu hẹp đáng kể từ vài nghìn tỷ đồng/phiên xuống hơn 50 tỷ đồng.

Danh mục mua ròng tập trung tại VPB (+203 tỷ đồng), FPT (+65 tỷ đồng), MWG (+54 tỷ đồng). Trong khi đó, nhiều mã như HPG (-298 tỷ đồng), GEX (-105 tỷ đồng), CTG (-96 tỷ đồng), GMD (-94 tỷ đồng) bắt đầu được chốt lời.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Bạn đang đọc bài viết "Cổ phiếu Vingroup tăng mạnh, VN-Index áp sát đỉnh lịch sử" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline 0903 78 12 09 hoặc gửi email về địa chỉ: phutrachnoidung@gmail.com