Chỉ vì giá rẻ, các hãng xe điện Trung Quốc "tự bắn vào chân nhau": Xe mất giá gần nửa, ai mua đầu là thiệt

12/05/2025 16:30

Sự cạnh tranh giữa chính các thương hiệu Trung Quốc đã dẫn đến việc xe bị mất giá liên tục. Việc có quá nhiều thương hiệu để lựa chọn như BYD, Chery, Geely cũng khiến khách "rối não".

Xâm chiếm thị trường mới

Từ văn phòng của mình tại tòa nhà biểu tượng Burj Khalifa của Dubai, Wu Shengcong giám sát hoạt động bán xe điện Trung Quốc trên khắp Trung Đông và nhiều nơi khác.

Wu chuyển đến thành phố này vào tháng 1 năm ngoái, một phần trong làn sóng nhân lực quản lý người Trung Quốc đi ra hải ngoại để giúp đất nước vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu xe điện lớn nhất thế giới. Ông cho biết Dubai "thú vị hơn nhiều" so với công việc trước đây ở quê nhà.

Chỉ vì giá rẻ, các hãng xe điện Trung Quốc "tự bắn vào chân nhau": Xe mất giá gần nửa, ai mua đầu là thiệt- Ảnh 1.

Xe điện Dongfeng Forthing Xinghai S7 EV tại một triển lãm ô tô ở Dubai, năm 2024.

Cho đến nay, Đông Nam Á và Châu Âu là thị trường lớn nhất của xe điện do Trung Quốc sản xuất. Nhưng Liên minh châu Âu, Brazil, Mỹ và Canada đã áp thuế tăng đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất bắt đầu từ năm 2024, với nhiều lý do liên quan đến cạnh tranh, khiến doanh số chậm lại.

Nhưng mỗi quốc gia lại có những suy nghĩ khác nhau. Thay vì cảnh giác trước làn sóng xe điện Trung Quốc, một số nơi lại dang rộng vòng tay hoan nghênh các lựa chọn điện khí hóa giao thông với chi phí thấp đến với mình, như các nước Trung Đông.

Mặc dù vẫn ở mức thấp so với châu Âu, nhưng xuất khẩu xe điện của Trung Quốc sang Trung Đông đang tăng nhanh, dự kiến sẽ vượt mốc 100.000 trong năm nay.

Với nền kinh tế dựa trên sản xuất dầu mỏ, UAE có thể không phải là vùng đất màu mỡ nhất cho xe điện. Nhưng các quan chức ở Dubai đã đặt ra mục tiêu thúc đẩy bán xe điện và hỗ trợ triển khai hàng nghìn trạm sạc.

Đến năm 2030, xe điện dự kiến sẽ chiếm 15% doanh số bán xe ô tô và xe hạng nhẹ mới tại UAE, tăng từ mức 3% hiện nay. Giống như nước láng giềng Ả Rập Saudi, xe điện Trung Quốc chỉ phải chịu mức thuế nhập khẩu 5%. Các thương hiệu Trung Quốc cho biết thị phần ô tô của họ tại UAE đã đạt trên 10%.

Công ty Oneroad Group của Wu Shengcong, một tập đoàn do người Trung Quốc ở nước ngoài thành lập, đang đại diện cho các thương hiệu như Dongfeng, Zeekr và Geely.

Chỉ vì giá rẻ, các hãng xe điện Trung Quốc "tự bắn vào chân nhau": Xe mất giá gần nửa, ai mua đầu là thiệt- Ảnh 2.

Sản phẩm bán chạy nhất hiện tại của Oneroad là Dongfeng Forthing T5, một chiếc SUV có cả phiên bản hybrid và chạy hoàn toàn bằng điện. Với giá bán lẻ khoảng 110.000 dirham (30.000 USD) — thấp hơn khoảng 1/3 so với giá tại địa phương của mẫu xe cơ bản Model 3 của Tesla. Công ty đang trên đà bán được khoảng 600 chiếc xe này vào năm ngoái.

Oneroad cũng nhắm đến những người giàu có trong khu vực, đại diện cho thương hiệu xa xỉ Hongqi, thuộc sở hữu của FAW Group, sản xuất những chiếc xe theo phong cách Rolls Royce bao gồm cả mẫu xe chính thức của nhà nước Trung Quốc, được sử dụng để phục vụ lãnh đạo.

Một bước tiến quan trọng khác là đưa xe bảy chỗ Hongqi E-HS9 vào đội siêu xe của Cảnh sát Dubai vào năm 2022.

Wu cho biết: "Người tiêu dùng địa phương thường coi một chiếc xe thuộc đội xe cảnh sát là phương tiện chất lượng cao". Việc đưa vào danh sách này "có hiệu quả cao trong việc thúc đẩy tâm lý thị trường".

Chỉ vì giá rẻ, các hãng xe điện Trung Quốc "tự bắn vào chân nhau": Xe mất giá gần nửa, ai mua đầu là thiệt- Ảnh 3.

Một chiếc Zeekr 001 được đưa vào đội xe tuần tra của Cảnh sát Dubai.

Năm nay, Ahmed Ali, một cư dân Dubai đã chọn mua chiếc SUV điện của Hongqi làm phương tiện điện đầu tiên của mình.

Là người đam mê ô tô từ nhỏ, Ali lúc đầu còn ngần ngại về xe điện của Trung Quốc, anh đã đến các phòng trưng bày nhiều lần để lái thử các mẫu xe Trung Quốc và đánh giá công nghệ, hiệu suất và thiết kế của chúng.

"Cuối cùng tôi đã chọn xe điện Trung Quốc vì tính an toàn và bền vững", anh nói. "Theo như tôi thấy, đây là chiếc xe lý tưởng về hiệu suất, sự thoải mái và phù hợp với nhu cầu đi lại của gia đình".

Con dao hai lưỡi của giá rẻ

Các thương hiệu ô tô Trung Quốc thường tụt hậu so với các đối thủ nước ngoài về công nghệ, nhưng quá trình chuyển đổi nhanh chóng sang xe điện đã cho phép họ vượt qua đối thủ cạnh tranh, nhờ vào công nghệ pin tiên tiến, những tiến bộ về kết nối trong xe và hệ thống lái xe tự động.

Họ cũng có thể sản xuất xe điện giá cả phải chăng hơn so với các nước phát triển.

Điều đó là nhờ vào quy mô kinh tế từ thị trường trong nước khổng lồ và chuỗi cung ứng địa phương, chi phí lao động và năng lượng thấp, trợ cấp đầu tư của chính phủ và vị thế của Trung Quốc là trung tâm sản xuất pin toàn cầu, nơi các công ty như CATL là các thế lực dẫn đầu ngành.

Nhưng giá rẻ đôi khi cũng không phải điều tốt. Kết quả của cuộc đua giảm giá dẫn đến cuộc chiến giá cả khốc liệt, khiến những thương hiệu hàng đầu như Tesla buộc phải cắt giảm để duy trì sức cạnh tranh, cũng như khiến chính các hãng xe Trung Quốc phải lao đao.

Theo số liệu từ JATO, giá bán lẻ trung bình của một chiếc ô tô điện tại Trung Quốc vào khoảng 31.000 euro trong nửa đầu năm 2023, so với giá bán lẻ trung bình là hơn 66.000 euro ở châu Âu và 68.000 euro ở Mỹ.

Chỉ vì giá rẻ, các hãng xe điện Trung Quốc "tự bắn vào chân nhau": Xe mất giá gần nửa, ai mua đầu là thiệt- Ảnh 4.

Đến năm 2024, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc lần đầu tiên tuyên bố "xe điện đã rẻ hơn xe xăng", nghĩa là xe điện của họ rẻ hơn các mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong có tính năng tương tự —cột mốc đạt được sớm hơn dự đoán trước đây.

Sự sự cạnh tranh giữa chính các thương hiệu Trung Quốc quá đông đúc đã dẫn đến việc xe bị giảm giá liên tục. Một mẫu xe có giá 300.000 dirham (82.000 USD) có thể giảm xuống còn 200.000 dirham (54.000 đô la), gần một nửa chỉ trong vòng vài tháng do sự ra mắt của các mẫu xe hoặc thương hiệu mới. "Biến động giá cao có thể làm những người dùng đầu tiên khó chịu", Wu nói.

"Các dự án đầu tư ra nước ngoài của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc thường thiếu sự hợp tác", dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt, Zhang Xiang, giám đốc Trung tâm nghiên cứu hợp tác quốc tế về ô tô kỹ thuật số tại Diễn đàn kinh tế kỹ thuật số thế giới, cho biết.

Ông Zhang lưu ý rằng hơn chục hãng sản xuất ô tô Trung Quốc, từ BYD, NIO, XPeng, Chery, Geely và Hongqi, đều nhanh chóng thâm nhập thị trường châu Âu để cạnh tranh giành thị phần với mức giá thấp hơn.

"Theo quan điểm của người tiêu dùng, việc có quá nhiều thương hiệu để lựa chọn có thể gây choáng ngợp, khiến họ khó nhớ tên cụ thể của các thương hiệu này", Zhang chỉ ra.

Một vấn đề khác theo Wu là các thương hiệu Trung Quốc thường tập trung vào việc tung ra càng nhiều xe mới càng tốt trong khi dịch vụ sau bán hàng lại tụt hậu. "Nhiều thương hiệu Trung Quốc thiếu hỗ trợ sau bán hàng tại địa phương hoặc dịch vụ cung cấp không đầy đủ", ông nói.

Theo một đối tác của Wu, mặc dù giá thấp là yếu tố chính thu hút người tiêu dùng nhưng về lâu dài, họ cần phải cung cấp nhiều thứ hơn là giá cả phải chăng.

"Các thương hiệu nước ngoài, nhiều thương hiệu có lịch sử hàng thập kỷ hoặc thậm chí hàng thế kỷ, đã tạo dựng được lòng trung thành và sự công nhận thương hiệu mạnh mẽ", người này nói. "Vì vậy, các thương hiệu Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài để xây dựng danh tiếng toàn cầu của riêng mình".

Bạn đang đọc bài viết "Chỉ vì giá rẻ, các hãng xe điện Trung Quốc "tự bắn vào chân nhau": Xe mất giá gần nửa, ai mua đầu là thiệt" tại chuyên mục Xu hướng - Tiêu dùng. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline 0903 78 12 09 hoặc gửi email về địa chỉ: phutrachnoidung@gmail.com