Ba 'ông lớn' đứng sau Em xinh

12/07/2025 08:02

Em xinh "say hi" hoành tráng về mọi mặt và đứng sau chương trình là 3 nhà tài trợ sẵn sàng đổ ra số tiền lớn.

Mùa hè năm 2024, Vpop chứng kiến cuộc đụng độ nảy lửa của Anh trai vượt ngàn chông gai với Anh trai “say hi”. Một năm sau, khán giả lại được tận hưởng những màn trình diễn hấp dẫn từ Em xinh “say hi”. Chỉ có điều, thiếu đi một đối thủ xứng tầm, Em xinh “say hi” đang tạm ở thế độc tôn trong số các game show âm nhạc mùa hè 2025.

Với sự tham gia của 30 nữ nghệ sĩ tài năng như Bích Phương, Phương Mỹ Chi, Miu Lê, Phương Ly, 52Hz…, chương trình đã thu hút hàng chục triệu lượt xem trên YouTube sau 6 tập và tạo nên cơn sốt trên mạng xã hội. Thành công này không thể thiếu sự hỗ trợ từ các nhà tài trợ, đóng vai trò quan trọng trong việc mang đến trải nghiệm giải trí đỉnh cao cho khán giả.

Tiền tỷ đổ vào dàn em xinh

Các chương trình như Em xinh "say hi" đòi hỏi đầu tư lớn vào sân khấu, âm thanh, ánh sáng, hiệu ứng hình ảnh… Theo dõi chương trình này, có thể thấy ê-kíp sản xuất đã đổ vào số tiền không nhỏ, lên tới hàng chục tỷ đồng vào việc dàn dựng bối cảnh, ý tưởng sân khấu, trang phục, trang điểm, vũ đạo…

Chưa bàn tới độ hấp dẫn, bắt tai của âm nhạc nhưng sự hoành tráng, dụng công là điều chắc chắn phải ghi nhận ở Em xinh “say hi”. Mỗi tiết mục có thể lên tới hàng chục vũ công, với toàn bộ trang phục mới… Ngay cả bối cảnh trong các phần chọn đội, chơi trò chơi… của Em xinh “say hi” cũng được đầu tư, thậm chí có phần nhỉnh hơn Anh trai “say hi”. Để có được sự hoành tráng như thế, đương nhiên không thể thiếu số tiền đổ ra từ các nhãn hàng.

Em xinh say hi,  Anh trai "say hi" anh 1

Hình ảnh trong tiết mục Run của Em xinh "say hi". Chương trình luôn đầu tư chỉn chu, hoành tráng về ý tưởng sân khấu.

Trao đổi với Tri Thức - Znews, anh Đặng Nhật Trường - đại diện NTT Entertainment - nhận định nhà tài trợ rất quan trọng đối với các chương trình truyền hình nói chung và các sự kiện giải trí nói riêng.

Khi sản xuất các chương trình lớn, chi phí rất cao. Chương trình truyền hình lại khó và bị động trong việc thu về lợi nhuận (phải chờ bán hết vé nếu sự kiện có bán vé hoặc đạt rating cao, hiệu ứng tốt… mới có thể tính chính xác lợi nhuận). Do đó, để một chương trình được diễn ra đúng ý đồ ban đầu, ê-kíp sản xuất phải đảm bảo được nguồn kinh tế. Vậy nên khâu tài trợ rất quan trọng để quyết định một chương trình thành công hay không.

“Nhà tài trợ khi quyết định đầu tư vào một chương trình, đầu tiên phải phù hợp với đối tượng khách hàng họ đang hướng đến. Sau đó sẽ là uy tín của đơn vị tổ chức. Khi đầu tư đúng, điều quan trọng nhất các nhãn hàng nhận được là giá trị thương hiệu nâng tầm và tiếp cận được khách hàng tốt. Qua đó giúp brand tăng được sức cạnh tranh với các đối thủ", anh Đặng Nhật Trường chỉ ra.

Cách thức tài trợ có thể theo rất nhiều hướng khác nhau tùy theo thỏa thuận giữa đôi bên, cũng như việc nhãn hàng lẫn ê-kíp sản xuất cần gì. Thương hiệu có thể tài trợ tiền mặt, hoặc tiền mặt cộng sản phẩm và đôi khi chỉ có sản phẩm. Trong đó, mức độ đầu tư càng lớn, quyền lợi càng cao.

Chẳng hạn với Em xinh "say hi", TPBank được giới thiệu là nhà tài trợ chính nên ưu đãi NSX dành cho nhãn hàng này khác hẳn. TPBank xuất hiện với tần suất dày đặc hơn và ngay phần mở đầu chương trình.

Chân dung ba 'ông lớn' đứng sau

Anh Đặng Nhật Trường chỉ ra văn hóa giải trí ở Việt Nam ngày càng được nâng cao nên hiện tại brand cũng đầu tư vào lĩnh vực này khá nhiều từ game show, sự kiện, phim ảnh chứ không chỉ theo hướng truyền thống TVC, social như trước. Hiện tại, hệ thống social phát triển mạnh, các chương trình game show lan tỏa cao, qua đó giúp nhãn hàng lan tỏa được hình ảnh thương hiệu tốt.

Các nền tảng online bây giờ không chỉ do các công ty đẩy mạnh, mà chính cá nhân hay fan cũng có thể tạo kênh cho riêng mình, đăng tải video, hình ảnh cho thần tượng và qua đó giúp sức tạo thêm độ phủ sóng cho các game show hot. Tất nhiên nhãn hàng cũng sẽ được lợi chung. Đó là một phần lý do khiến họ quyết định đổ tiền vào các game show.

Việc tài trợ cho game show của nam và nữ không có quá nhiều khác biệt. Nhưng đương nhiên sẽ có sự đặc thù với sự xuất hiện những nhà tài trợ phù hợp với tính chất riêng mỗi chương trình. Ví dụ show nam có thể có dòng sản phẩm chuyên dụng cho nam và ngược lại.

Trước đó, khi đổ tiền vào Anh trai “say hi”, ngân hàng VIB nhắm tới đối tượng khán giả Millennials và Gen Z. Theo Công ty Chứng khoán VPBankS, bằng việc hợp tác với Anh trai “say hi” vào năm 2024, VIB gia tăng độ nhận diện thương hiệu, đồng thời số lượng thẻ đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 6 năm liên tiếp ở mức 44%/năm. Chi tiêu qua thẻ tăng trưởng mạnh hơn, lên tới 56%/năm. Tính đến 30/9/2024, tăng trưởng tín dụng của VIB đạt 11,6% so với đầu năm, cao hơn mức trung bình ngành là 9%.

Em xinh say hi,  Anh trai "say hi" anh 2

Nhờ sức nóng sẵn có Anh trai "say hi", Em xinh "say hi" dễ dàng thu hút sự quan tâm ngay khi lên sóng.

Các ngân hàng nhảy vào cuộc chơi của các game show âm nhạc là xu hướng nổi bật thời gian qua. Ngoài cuộc bắt tay giữa VIB với Anh trai “say hi”, còn có Techcombank đứng sau Anh trai vượt ngàn chông gai, Tân binh toàn năng, Ngân hàng Quân đội (MB) tài trợ cho Chị đẹp đạp gió…

Em xinh “say hi” có nhà tài trợ chính là TPBank, bên cạnh đó là thương hiệu Diana và nước tăng lực Warrior. Các nhà tài trợ này xuất hiện liên tục trong chương trình, hiện lên ở các phần phỏng vấn mỗi em xinh. Phần quảng cáo các sản phẩm của nhà tài trợ còn được lồng ghép, giới thiệu bởi chính các em xinh trong phần giao lưu, tương tác.

Trong đó, Diana có đối tượng khách hàng chính là nữ giới. Do đó, việc nhắm tới một chương trình quy tụ tới 30 nghệ sĩ nữ, từ gương mặt tên tuổi tới những giọng ca trẻ trung, mới mẻ như Em xinh “say hi” được xem là hướng đi hợp lý, có thể tạo ra lợi nhuận.

Với tư cách nhà tài trợ chính, TPBank được giới thiệu ngay phần đầu, mỗi khi mở màn tập thi của Em xinh “say hi”. Nhãn hàng này còn cùng Diana xuất hiện ở gần như tất cả hình ảnh hậu trường được đăng tải trên fanpage chính thức của chương trình.

Đương nhiên, cuộc đua tài trợ đôi khi cũng có rủi ro, điển hình là khi chương trình không đủ sức nóng, độ lan tỏa. Tuy nhiên, với trường hợp Em xinh "say hi", đây là bản nữ của game show đình đám Anh trai "say hi". Chương trình cũng quy tụ 30 ca sĩ nữ ở nhiều độ tuổi. Do đó, việc các nhà tài trợ sẵn sàng đổ tiền vào chương trình là dễ hiểu, chuyên gia chỉ ra.

Theo thống kê của Socialite, Em xinh “say hi” là game show được thảo luận nhiều nhất trong khoảng thời gian 2/7-8/7. Lượt thảo luận của chương trình đạt trên 541.000, áp đảo so với vị trí thứ 2 của Gia đình Haha (288.000). Các tập của chương trình đều đạt hàng triệu lượt xem, trong đó tập 6 đạt 6,4 triệu tính tới chiều 11/7. Điều đó phản ánh rất rõ rệt mức độ thành công của Em xinh “say hi”, đặc biệt trên phương diện social.

Sự lôi cuốn của thanh âm

Cuốn sách Lược sử âm nhạc của nhà nghiên cứu âm nhạc bậc thầy thế giới Robert Philip, dẫn dắt độc giả trên hành trình khám phá cực kỳ lôi cuốn mọi hình thái âm nhạc. 40 chương sách đưa người đọc đi từ dạng thức sơ khai của âm nhạc đến khi con người sử dụng âm nhạc, qua giai đoạn sự lên ngôi của các nhạc cụ, dàn nhạc, đến khi âm nhạc tạo ra những cơn bão trong tâm trí con người thời cách mạng, cuối cùng là âm nhạc trong nhịp sống hiện đại và âm nhạc hướng về tương lai.

Cuốn sách làm nổi bật rằng, âm nhạc không chỉ là một hình thức nghệ thuật mà còn là một hiện tượng xã hội phức tạp. Nó phản ánh cấu trúc xã hội, các mối quan hệ quyền lực và những thay đổi trong xã hội. Âm nhạc phát triển theo nhiều chiều hướng khác nhau trong các nền văn hóa.

Bạn đang đọc bài viết "Ba 'ông lớn' đứng sau Em xinh" tại chuyên mục Tài chính. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline 0903 78 12 09 hoặc gửi email về địa chỉ: phutrachnoidung@gmail.com