Đạp xe đi làm, người dân tại quốc gia này được trợ cấp 24 triệu đồng/năm

Theo quy định, tất cả người lao động nếu thường xuyên đi làm bằng xe đạp ít nhất một ngày mỗi tuần sẽ được nhận trợ cấp tính theo số kilomet di chuyển.

Đạp xe đi làm, người dân tại quốc gia này được trợ cấp 24 triệu đồng/năm- Ảnh 1.

Tại Bỉ, đi làm bằng xe đạp không chỉ là một lựa chọn sống xanh, mà còn là cách để người lao động tăng thu nhập cá nhân nhờ chính sách trợ cấp theo kilomet. Từ năm 2023, chính phủ và các doanh nghiệp tại đây chính thức áp dụng chính sách trợ cấp bắt buộc cho người lao động đi làm bằng xe đạp, với mức hỗ trợ tối thiểu là 0,27 euro/km. Sang năm 2024, mức này được điều chỉnh tăng lên 0,28 euro/km - con số khá nhỏ nếu chỉ nhìn vào từng chặng đường đi, song lại trở thành một khoản đáng kể nếu tính trên cả năm. Chính sách này nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng tích cực của người lao động, đặc biệt tại vùng Flanders – nơi có hạ tầng xe đạp phát triển bậc nhất Bỉ.

Theo quy định, tất cả người lao động nếu thường xuyên đi làm bằng xe đạp ít nhất một ngày mỗi tuần sẽ được nhận trợ cấp tính theo số kilomet di chuyển. Quãng đường trợ cấp được giới hạn ở mức 20 kilomet mỗi chiều (tương đương 40 kilomet mỗi ngày), không phân biệt giữa xe đạp truyền thống hay xe đạp điện.

Để được nhận trợ cấp, người lao động cần nộp bản cam kết danh dự mỗi tháng, khai báo số kilomet thực tế đã di chuyển bằng xe đạp. Khoản trợ cấp này được miễn thuế thu nhập cá nhân và bảo hiểm xã hội, miễn là không vượt quá mức tối đa quy định.

Theo thống kê của công ty nhân sự SD Worx, tính đến cuối năm 2024, khoảng 15% người lao động ở Bỉ thường xuyên đi làm bằng xe đạp và nhận trợ cấp từ chương trình này. Mức trung bình mà mỗi người nhận được là 460 euro/năm, tương đương khoảng 38 euro mỗi tháng. Với những người sống cách cơ quan từ 20–30 kilomet và đi xe đạp gần như hàng ngày, khoản trợ cấp có thể lên đến 810 euro/năm (khoảng 24 triệu đồng) – một con số không nhỏ khi tính vào tổng thu nhập cá nhân.

Đạp xe đi làm, người dân tại quốc gia này được trợ cấp 24 triệu đồng/năm- Ảnh 2.

Tuy nhiên, điều đáng nói là tỉ lệ người đi xe đạp không đồng đều trên toàn quốc. Ở vùng Flanders – nơi có hệ thống làn đường xe đạp tốt, tỷ lệ lên tới 20%, trong khi ở vùng thủ đô Brussels chỉ khoảng 7% và Wallonia thấp nhất với 2%.

Không chỉ mang lại lợi ích tài chính cho người lao động, chính sách trợ cấp xe đạp còn được đánh giá cao ở khía cạnh môi trường và sức khỏe cộng đồng. Việc chuyển từ xe hơi sang xe đạp giúp giảm phát thải khí nhà kính, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đồng thời cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần cho người đi làm. CEO của SD Worx, bà Veerle Michiels, cho biết: “Trợ cấp tài chính rõ ràng là một động lực mạnh mẽ khiến nhiều người chuyển sang sử dụng xe đạp để đi làm. Việc di chuyển bằng xe đạp còn giúp họ khỏe hơn, tiết kiệm hơn và cảm thấy chủ động trong cuộc sống”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng tận dụng được chính sách này. Những người sống xa trung tâm, nơi không có làn đường xe đạp an toàn, hoặc những người có lịch trình công việc linh hoạt, thường xuyên di chuyển nhiều nơi trong ngày, sẽ khó áp dụng phương thức đi làm bằng xe đạp. Ngoài ra, hạ tầng hỗ trợ như nhà để xe đạp, trạm sạc cho e-bike,...vẫn chưa đồng đều. Điều này đặt ra bài toán cho chính phủ và chính quyền địa phương cần đầu tư nhiều hơn vào hạ tầng giao thông bền vững nếu muốn chương trình phát huy tối đa hiệu quả.

Một xu hướng đáng chú ý song hành với chính sách trợ cấp kilomet là bùng nổ dịch vụ thuê xe đạp (bike leasing). Nhiều doanh nghiệp tại Flanders và Brussels đã bắt đầu cung cấp xe đạp điện theo dạng thuê dài hạn cho nhân viên, bao gồm cả bảo trì và bảo hiểm. Người lao động có thể sử dụng xe đạp đi làm mỗi ngày, vừa nhận trợ cấp km từ nhà nước, vừa không cần bỏ chi phí lớn mua xe. Theo báo cáo mới nhất của New Mobility News, hiện tại chỉ khoảng 2% lực lượng lao động đang sử dụng xe đạp thuê, nhưng con số này đang tăng nhanh.

Từ góc độ tài chính, việc đi xe đạp – đặc biệt là với mức trợ cấp 0,28 euro/km – trở nên hấp dẫn hơn cả so với ô tô. Theo một báo cáo chung của Benelux và North Rhine-Westphalia (Đức), chi phí sở hữu và vận hành một chiếc xe đạp truyền thống dao động từ 0,16–0,28 euro/km, thấp hơn nhiều so với ô tô. Xe đạp điện tuy có chi phí ban đầu cao hơn, nhưng khi cộng thêm khoản trợ cấp km, người sử dụng vẫn tiết kiệm đáng kể.

Từ chính sách hỗ trợ từng kilomet di chuyển, Bỉ đang từng bước xây dựng một hệ sinh thái giao thông bền vững xoay quanh xe đạp – một phương tiện tưởng như đã cũ kỹ, nhưng giờ đây đang trở lại như biểu tượng của tương lai xanh. Với mỗi kilomet, người dân không chỉ tiết kiệm tiền, mà còn góp phần giảm khói bụi, cải thiện sức khỏe cá nhân, và giúp thành phố trở nên yên bình hơn.

Theo: Brussels Times

Link nội dung: https://www.thuongtruong.net/dap-xe-di-lam-nguoi-dan-tai-quoc-gia-nay-duoc-tro-cap-24-trieu-dongnam-a138251.html