Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - HoSE: CTG) vừa có thông báo mời quan tâm đến dự án Tòa nhà trụ sở chính của ngân hàng.
Theo đó, VietinBank đang tiến hành các thủ tục cần thiết để chuyển nhượng Dự án Tòa nhà Trụ sở chính VietinBank tại lô đất TM1 Khu đô thị Nam Thăng Long, phường Phú Thượng, thành phố Hà Nội (VietinBank Tower).
Ngân hàng mời các Nhà đầu tư có nhu cầu nhận chuyển nhượng Dự án, đáp ứng các điều kiện về năng lực thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật và có khả năng tài chính đến làm việc để được cung cấp thông tin, hướng dẫn thủ tục để tham gia thẩm định Dự án, đàm phán các nội dung liên quan tới giao dịch chuyển nhượng Dự án.
Dự án VietinBank Tower có tổng diện tích sử dụng lên tới 300.000 m2 (Ảnh: Hữu Thắng).
Thời hạn tiếp nhận nhu cầu đăng ký nhận chuyển nhượng Dự án của Nhà đầu tư: Đến 17h00 ngày 25/7/2025 (quá thời hạn nêu trên, VietinBank dừng tiếp nhận nhu cầu và dừng cung cấp thông tin).
Dự án VietinBank Tower được khởi công xây dựng vào tháng 10/2010. Theo kế hoạch, dự án có tổng vốn đầu tư 10.267 tỷ đồng và với tổng diện tích sử dụng lên tới 300.000 m2, VietinBank Tower gồm 2 tòa tháp, được liên kết bằng khối đế 7 tầng dành cho các mục đích sử dụng chung như phòng hội nghị, hội thảo, trung tâm thương mại cao cấp, quán cafe và nhà hàng.
Tháp thứ nhất cao 363m với 68 tầng được thiết kế làm trụ sở làm việc chính của VietinBank. Tháp thứ hai cao 250m với 48 tầng sẽ là nơi đặt khách sạn 5 sao, khu chăm sóc sức khỏe, căn hộ cao cấp cho thuê. Các tầng phía trên của mỗi tháp được bố trí theo đường chéo để tạo thành các góc chữ V, biểu trưng của VietinBank.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên xuất hiện thông tin VietinBank muốn bán dự án này. Năm 2018, Đại hội đồng cổ đông bất thường của ngân hàng đã thống nhất thông qua tờ trình về phương án cơ cấu lại dự án.
Theo tờ trình, đây là dự án đầu tư xây dựng được Đại hội đồng cổ đông ngân hàng thông qua vào ngày 13/4/2013. VietinBank đã rất tích cực và dành nhiều nguồn lực để triển khai thực hiện dự án.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đầu tư, xây dựng đã phát sinh một số yếu tố khách quan như lộ trình tăng vốn điều lệ của VietinBank theo kế hoạch trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa thực hiện được, ảnh hưởng đến giới hạn vốn đầu tư vào tài sản cố định gây khó khăn về vốn tiếp tục triển khai dự án.
Nhu cầu sử dụng thực tế của VietinBank dự kiến sẽ chưa khai thác được tối đa tiềm năng của một công trình có vị trí đắc địa và đa công năng như VietinBank Tower.
Do đó, để nâng cao hiệu quả sử dụng dự án, ưu tiên nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh, VietinBank điều chỉnh lại kế hoạch đầu tư, sử dụng dự án. Trong đó, ưu tiên phương án chuyển nhượng toàn bộ Dự án và thuê lại tháp 68 tầng để làm trụ sở.
Tại phiên họp thường niên năm 2021, lãnh đạo ngân hàng nói rằng tại thời điểm đó, 29 nhà đầu tư quan tâm tới VietinBank Tower. Trong đó, 21 nhà đầu tư đã ký thỏa thuận bảo mật thông tin để tiếp cận hồ sơ và thẩm định dự án. Hai nhà đầu tư đề xuất tài chính sơ bộ.
Dù không công bố cụ thể về số tiền đã đổ vào dự án VietinBank Tower, nhưng báo cáo tài chính hàng năm của ngân hàng luôn cho thấy chi phí xây dựng cơ bản dở dang luôn chiếm tỉ trọng lớn trong các khoản phải thu. Kết thúc năm 2024, báo cáo tài chính ghi nhận chi phí xây dựng cơ bản dở dang đạt gần 5.679 tỷ đồng. Trong đó có đến 5.419 tỷ đồng là tại các công trình khu vực miền Bắc.
Link nội dung: https://www.thuongtruong.net/toa-nha-tru-so-chinh-vietinbank-hon-10000-ty-dong-tim-chu-moi-a137457.html