Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm, tổng nguồn thu ngân sách từ đất trên địa bàn TP.HCM (cũ) ước đạt hơn 65.319 tỷ đồng, chủ yếu đến từ các dự án đã được duyệt giá đất cụ thể.
Theo đó, UBND TP.HCM vừa ban hành các quyết định phê duyệt giá đất đối với 9 dự án bất động sản trên địa bàn TP.HCM trước khi sáp nhập mở rộng địa giới hành chính, dự kiến sẽ thu về cho ngân sách 52.599 tỷ đồng.
Trong đó, dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ do Công ty CP Đô thị Du lịch Cần Giờ - thuộc Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư thu về số tiền lớn nhất, lên đến 27.317 tỷ đồng. Dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ có tên thương mại là Vinhomes Green Paradise tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ (cũ).
![]() |
Hiện trạng thi công ở dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ. |
Mức giá đất được phê duyệt là cơ sở để chủ đầu tư là Công ty CP Đô thị du lịch Cần Giờ thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước và là cơ sở pháp lý để làm các thủ tục tiếp theo trong việc xây dựng dự án.
Hồi tháng 4/2025, dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ đã được chủ đầu tư động thổ khởi công tại cửa biển xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh với tổng diện tích 2.870 ha.
Đây là dự án có quy mô hàng đầu Việt Nam và toàn cầu như tổ hợp nhà hát lớn nhất Đông Nam Á, biển hồ nhân tạo lớn nhất thế giới, 2 sân golf đẳng cấp quốc tế; tòa tháp đa năng 108 tầng, chuỗi khách sạn và trung tâm thương mại hiện đại, quần thể vui chơi - giải trí quy mô lớn, hệ thống giáo dục tiêu chuẩn quốc tế…
Tiếp đến là dự án Khu phức hợp thông minh Thủ Thiêm thuộc khu chức năng số 2a (dự án có tên thương mại là Lotte Eco Smart City) thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm với số tiền 16.190 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư của dự án hơn 20.100 tỷ đồng, được quy hoạch gồm trung tâm tài chính, dịch vụ và khu dân cư đa chức năng.
Đây là dự án do Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. Điểm nhấn của dự án là tòa tháp Lotte Eco Smart City cao 50 tầng. Dự án này được khởi công từ tháng 9/2022, hoàn tất san lấp mặt bằng. Khu đất xây dựng dự án nằm đối diện dự án Empire City và gần dự án công trình Nhà hát Thủ Thiêm, cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn... cũng như loạt dự án nhà ở cao cấp, hạng sang khác của khu vực.
Dự án Lotte Eco Smart City có vị trí được xem là đắc địa bậc nhất khu bán đảo Thủ Thiêm khi nằm ngay lối ra của hầm Thủ Thiêm, cạnh mặt sông Sài Gòn. Vào năm 1997, Tập đoàn Lotte đã đề xuất kế hoạch xây dựng tại Thủ Thiêm và dự kiến hoàn thành việc phát triển dự án vào năm 2028.
Tương tự, khu đất 14,8 ha TP. Thủ Đức (cũ) do Công ty TNHH bất động sản Nguyên Phương làm chủ đầu tư sẽ mang về 3.469 tỷ đồng. Khu đất này được TPHCM dùng để thanh toán theo hợp đồng BT cho dự án đường Song hành cao tốc Long Thành - Dầu Giây từ đường Mai Chí Thọ qua khu dân cư Nam Rạch Chiếc.
Một dự án nữa là khu công nghiệp Lê Minh Xuân mở rộng ở huyện Bình Chánh (cũ) do Công ty TNHH MTV Kinh doanh nhà Khang Phúc làm chủ đầu tư, với số tiền 2.689 tỷ đồng. Dự án khu dân cư tại phường Phú Thuận, quận 7 (cũ) do Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt làm chủ đầu tư cũng được duyệt giá đất, với số thu dự kiến là 2.222 tỷ đồng.
Ngoài ra, dự án Khu dân cư Phú Thuận tại phường Phú Thuận, quận 7 (cũ) do Công ty CP Đầu tư Anh Tuấn làm chủ đầu tư, được phê duyệt giá đất với số thu là 513 tỷ đồng. Dự án Khu nhà ở thương mại Phú Định Riverside tại phường 6, quận 8 (cũ) do Công ty TNHH MTV Địa ốc Sài Gòn Nam Đô làm chủ đầu tư được phê duyệt giá đất 143 tỷ đồng.
Dự án chung cư Phương Việt tại phường 6, quận 8 (cũ) do Công ty CP Đầu tư Phương Việt làm chủ đầu tư được phê duyệt giá đất 38 tỷ đồng. Phần diện tích đất giao bổ sung tại phường Phú Hữu, TP Thủ Đức (cũ) thuộc dự án khu nhà ở Nam Phan do Công ty CP Đầu tư Nam Phan làm chủ đầu tư được phê duyệt giá đất 18 tỷ đồng.
![]() |
Dự án Lotte Eco Smart City có vị trí được xem là đắc địa bậc nhất khu bán đảo Thủ Thiêm. Ảnh: CFL. |
Ngoài 9 dự án lớn kể trên, nguồn thu đã thực hiện trong 6 tháng là hơn 12.720 tỷ đồng từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước, thu từ chuyển nhượng bất động sản. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM cũng đã trình phê duyệt giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất tại dự án khu dân cư và thương mại đa chức năng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, với tổng giá trị khởi điểm cho 3 khu là 5.705 tỷ đồng.
Theo Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi vừa được thông qua, đã điều chỉnh nguyên tắc phân chia nguồn thu giữa ngân sách trung ương và địa phương theo hướng tăng tính chủ động và phù hợp với đặc thù của từng nơi.
Các địa phương không nhận bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương được hưởng 80% khoản thu này, phần còn lại 20% thuộc ngân sách trung ương. Với các địa phương có nhận bổ sung cân đối, tỷ lệ tương ứng là 85% cho ngân sách địa phương và 15% cho ngân sách trung ương.
Theo đó, TP.HCM - địa phương không nhận bổ sung cân đối ngân sách từ trung ương sẽ được giữ 80% tiền sử dụng đất và tiền thuê đất, phần còn lại 20% nộp về ngân sách trung ương. Riêng Hà Nội, do có cơ chế riêng theo Luật Thủ đô, tiếp tục được giữ lại 100% các khoản thu này.
Trước đó, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Tổng bí thư Tô Lâm vào ngày 18/6, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị đề xuất cho địa phương giữ lại toàn bộ nguồn thu từ các quỹ đất trong 5 năm tới để bổ sung nguồn lực phát triển hạ tầng khi sáp nhập. Tuy nhiên, theo Chính phủ, xét trong toàn cục, hiện nguồn thu ngân sách của TP.HCM chiếm 1/3 cả nước, trong khi đất đai là nguồn lực toàn dân. Do đó, để hài hòa, có thể xem xét tỷ lệ 80 - 20, tức 80% để lại TP.HCM và 20% nộp về Trung ương.
Link nội dung: https://www.thuongtruong.net/chi-tiet-nhung-du-an-bat-dong-san-mang-ve-cho-tphcm-hon-65300-ty-a137443.html