![]() |
NHNN cho biết sẽ tiến tới gỡ bỏ room tín dụng theo lộ trình được tính toán kỹ. Ảnh: Chí Hung. |
Tại buổi họp báo thường kỳ quý II của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) diễn ra sáng 8/7, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, đã chia sẻ về lộ trình gỡ bỏ hạn mức tín dụng (room tín dụng) theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Ông nhắc lại trong giai đoạn chính sách tiền tệ nới lỏng 2007-2011, tín dụng đã tăng trưởng quá "nóng", trung bình trên 33%/năm, riêng năm 2007 đạt kỷ lục 53%, đẩy lạm phát lên cao và gây ra hàng loạt bất ổn. Trong bối cảnh đó, từ năm 2012, room tín dụng được NHNN thiết kế như một "van an toàn" để bảo vệ hệ thống ngân hàng, đồng thời hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Tuy vậy, lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ nhấn mạnh không có giải pháp nào là hiệu quả vĩnh viễn. Sau hơn một thập kỷ áp dụng, công cụ hành chính room tín dụng đã đến lúc cần được điều chỉnh để phù hợp hơn với tình hình thực tiễn.
Bước đầu trong năm 2025, NHNN đã gỡ bỏ room tín dụng đối với các ngân hàng nước ngoài và tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Hiện tại, chính sách này chỉ còn áp dụng với nhóm ngân hàng thương mại trong nước.
"Thời gian tới, NHNN định hướng sẽ tiến tới gỡ bỏ hoàn toàn công cụ này, nhưng sẽ theo lộ trình được tính toán kỹ", ông Quang nhấn mạnh.
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nói khó khăn của hệ thống tín dụng còn tồn tại và nếu gỡ bỏ công cụ hành chính này, NHNN sẽ cần phải đánh giá cẩn trọng các tác động vĩ mô để tìm giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam mà vẫn ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát.
Hiện NHNN đã tham khảo kinh nghiệm của nhiều tổ chức tín nhiệm quốc tế, và cũng đã nhận được khuyến nghị, giải pháp để đạt mục tiêu song song nêu trên.
Thực tế, chuyện bỏ room tín dụng đã được đưa lên bàn nghị sự nhiều lần. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo NHNN khẩn trương xem xét việc gỡ bỏ công cụ hành chính này, thay bằng điều hành tăng trưởng tín dụng theo cơ chế thị trường.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng từng chia sẻ quan điểm thận trọng về vấn đề này. Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thống đốc nêu thực tế tổng dư nợ tín dụng/GDP cuối năm 2024 đã chạm ngưỡng 134%, do đó việc tiếp tục phụ thuộc tín dụng ngân hàng có thể gây rủi ro cho hệ thống và cả nền kinh tế, khiến khó đảm bảo tăng trưởng cao đi kèm ổn định bền vững.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.
Link nội dung: https://www.thuongtruong.net/ngan-hang-nha-nuoc-len-lo-trinh-bo-room-tin-dung-a136827.html