'Siêu phường' mới nổi tại Hà Nội, TP.HCM

Việc bỏ đơn vị hành chính cấp quận và sáp nhập địa giới hành chính các phường đã định hình lại bản đồ doanh nghiệp, từ đó xuất hiện những “ siêu phường tỷ USD” tại Hà Nội, TP.HCM.

Từ ngày 1/7, 34 địa phương trên cả nước chính thức bỏ đơn vị hành chính cấp quận, huyện, đồng thời tiến hành sáp nhập và điều chỉnh lại ranh giới các xã, phường.

Diễn biến này không chỉ làm thay đổi hệ thống chính quyền mà còn “vẽ lại” bức tranh địa lý doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nơi các doanh nghiệp với vốn hóa hàng chục tỷ USD đặt trụ sở chính.

Hai "siêu phường" giữa Thủ đô

Tại Hà Nội, quá trình sáp nhập các phường cũ như Lý Thái Tổ, Tràng Tiền, Hàng Bạc… đã hình thành nên đơn vị hành chính mới là phường Hoàn Kiếm. Không chỉ mang dấu ấn lịch sử, văn hóa, phường Hoàn Kiếm mới còn nổi lên như “thung lũng tài chính” của Thủ đô.

Theo đó, hiện có 3 ngân hàng lớn đang đặt trụ sở chính tại phường Hoàn Kiếm, gồm Vietcombank (vốn hóa trên 476.000 tỷ đồng - 18,4 tỷ USD), BIDV (255.000 tỷ đồng - 9,8 tỷ USD) và LPBank (96.000 tỷ đồng - 3,7 tỷ USD). Tính chung 3 ngân hàng này đã đóng góp cho phường Hoàn Kiếm tổng vốn hóa thị trường lên tới hơn 827.000 tỷ đồng, tương đương 32 tỷ USD - con số không chỉ vượt xa tổng GRDP của nhiều tỉnh, thành mà còn đủ để đưa Hoàn Kiếm trở thành phường có vốn hóa lớn nhất cả nước.

Sự tập trung này không phải ngẫu nhiên. Lâu nay, khu vực quanh hồ Gươm luôn là “tọa độ vàng” trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính, từ hệ thống văn phòng đại diện, chi nhánh giao dịch cho đến trụ sở chính.

tru so doanh nghiep,  von hoa doanh nghiep anh 1

Phường Hoàn Kiếm là nơi đặt đại bản doanh của 2 ngân hàng quốc doanh quy mô lớn là Vietcombank và BIDV. Ảnh: Phạm Hưng/Danviet.vn.

Ngay sát phường Hoàn Kiếm là phường Cửa Nam. Dù diện tích không lớn, phường Cửa Nam đang là nơi đặt trụ sở chính của 3 ngân hàng có vốn hóa lớn khác gồm Techcombank (241.600 tỷ đồng - 9,3 tỷ USD), VietinBank (225.000 tỷ đồng - 8,7 tỷ USD) và SHB (52.400 tỷ đồng - 2 tỷ USD).

Tổng cộng, 3 ngân hàng này giúp phường Cửa Nam sở hữu hơn 519.000 tỷ đồng vốn hóa thị trường, qua đó giúp khu vực này vươn lên vị trí thứ 2 tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung về giá trị doanh nghiệp niêm yết đặt trụ sở.

Thực tế, cả Hoàn Kiếm và Cửa Nam đều nằm trong địa giới quận Hoàn Kiếm cũ. Nơi này từ lâu đã được xem là “trái tim tài chính” của Hà Nội, không chỉ bởi vị trí trung tâm mà còn bởi mật độ dày đặc của các ngân hàng, công ty tài chính, tổ chức tín dụng lớn nhất cả nước.

Trước khi bỏ cấp quận, toàn bộ “đội hình” gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, Techcombank, SHB và LPBank đều chọn quận Hoàn Kiếm làm đại bản doanh. Tổng vốn hóa của nhóm ngân hàng này đạt xấp xỉ 1,35 triệu tỷ đồng, tương đương gần 52 tỷ USD, tức chiếm gần 1/5 tổng giá trị vốn hóa toàn bộ thị trường chứng khoán Việt Nam.

Không chỉ là nơi đặt trụ sở của các định chế tài chính lớn, phường Hoàn Kiếm còn là khu vực đặt trụ sở của một loạt cơ quan quản lý trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX)...

Cứ điểm “họ Vin” phía Đông Hà Nội

Không nằm trong khu vực trung tâm, nhưng quận Long Biên (cũ) cũng nổi lên như một “cực tăng trưởng” về vốn hóa doanh nghiệp nhờ sự hiện diện tập trung của hệ sinh thái doanh nghiệp do tỷ phú Phạm Nhật Vượng sáng lập.

Tại đây, Khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside đóng vai trò như “vùng lõi” của địa bàn. Khu vực này hiện là trụ sở chính của Vingroup (vốn hóa 365.500 tỷ đồng - 14,1 tỷ USD) và Vincom Retail (56.000 tỷ đồng - 2,2 tỷ USD) tại phường Việt Hưng. Trong khi đó, Vinhomes - nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam - lại đặt trụ sở tại phường Phúc Lợi với vốn hóa đạt 315.000 tỷ đồng, tương đương 12,1 tỷ USD.

STT Phường Tổng vốn hóa doanh nghiệp đặt trụ sở (tỷ đồng)
1 Hoàn Kiếm (Hà Nội) 827.500
2 Cửa Nam (Hà Nội) 519.000
3 Việt Hưng (Hà Nội) 421.600
4 Sài Gòn (TP.HCM) 375.700
5 Phúc Lợi (TP.HCM) 315.000
6Tân Sơn Hòa (TP.HCM)257.500

Theo đó, tính chung 2 phường Việt Hưng và Phúc Lợi đã nắm giữ hơn 736.000 tỷ đồng vốn hóa doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán - tương đương hơn 28,3 tỷ USD. Nếu tính thêm phần vốn hóa mà các công ty con, liên kết và dự án của “họ Vin” tạo ra gián tiếp, sức ảnh hưởng kinh tế của khu vực 2 phường mới tại Thủ đô còn lớn hơn nhiều so với con số tuyệt đối.

Ngoài nhóm doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Vingroup, Vietnam Airlines cũng đặt trụ sở chính tại quận Long Biên (cũ), nay là phường Bồ Đề. Hiện hãng hàng không này có vốn hóa gần 84.000 tỷ đồng, tương đương hơn 3,2 tỷ USD.

"Siêu phường" Sài Gòn, Tân Sơn Hòa tại TP.HCM

Tại TP.HCM - đầu tàu kinh tế phía Nam, việc sắp xếp lại xã, phường cũng tạo ra những chuyển động lớn trong bản đồ doanh nghiệp niêm yết. Dù không có sự “tập trung cô đặc” như khu vực trung tâm Hà Nội, TP.HCM lại chứng kiến những phường mới nổi lên như các "cứ điểm" vốn hóa lớn, đặc biệt trong giới ngân hàng, tiêu dùng và hàng không.

Tại phường Sài Gòn, đơn vị hành chính mới được xác lập ngay tại trung tâm quận 1 cũ (một phần phường Nguyễn Thái Bình, một phần phường Đa Kao và toàn bộ phường Bến Nghé), hiện là khu vực có tổng vốn hóa doanh nghiệp niêm yết lớn nhất TP.HCM.

Không chỉ sở hữu vị trí đắc địa về thương mại và bất động sản, khu vực này còn là nơi đặt trụ sở chính của loạt doanh nghiệp hàng đầu trong các lĩnh vực tiêu dùng, ngân hàng.

Trong đó bao gồm Masan Consumer - công ty con chuyên mảng tiêu dùng nhanh thuộc Tập đoàn Masan - hiện có vốn hóa thị trường đạt 133.200 tỷ đồng (khoảng 5,1 tỷ USD). Ngay bên cạnh, công ty mẹ Masan Group với vốn hóa 116.200 tỷ đồng (4,4 tỷ USD) cũng đặt trụ sở tại đây.

tru so doanh nghiep,  von hoa doanh nghiep anh 2

Có 4 doanh nghiệp niêm yết lớn với vốn hóa gần 15 tỷ USD đặt trụ sở chính tại phường Sài Gòn, TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh.

Ngoài ra, 2 ngân hàng niêm yết là HDBank (76.500 tỷ đồng - 2,9 tỷ USD) và VIB (54.800 tỷ đồng - 2,1 tỷ USD) cũng chọn phường Sài Gòn làm "đại bản doanh".

Tổng cộng, 4 doanh nghiệp lớn đang đặt trụ sở tại phường này sở hữu trên 375.700 tỷ đồng vốn hóa thị trường, tương đương 14,5 tỷ USD - con số đủ để biến khu vực quận 1 cũ, vốn đã là "trái tim kinh tế" của thành phố, trở thành “tọa độ vàng” về vốn hóa doanh nghiệp sau khi chuyển đổi ranh giới hành chính.

Ngoài trung tâm cũ của thành phố, một cái tên mới là phường Tân Sơn Hòa (sáp nhập giữa phường Võ Thị Sáu và một phần phường 4, thuộc quận Tân Bình cũ) cũng nổi lên như một "cứ điểm" vốn hóa lớn thứ 2 của TP.HCM.

Hiện có 2 doanh nghiệp hàng đầu ngành hàng không gồm Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) (vốn hóa 208.800 tỷ đồng, tương đương 8 tỷ USD); bên cạnh đó là hãng hàng không tư nhân Vietjet với vốn hóa 47.700 tỷ đồng, tương đương 1,8 tỷ USD.

Tổng cộng, 2 doanh nghiệp này đã đóng góp cho phường Tân Sơn Hòa mới gần 257.500 tỷ đồng vốn hóa, tương đương 9,8 tỷ USD.

Không giống như Hà Nội - nơi các ngân hàng và tập đoàn tài chính tập trung vào một vài địa bàn mang tính lịch sử, tại TP.HCM, các doanh nghiệp vốn hóa lớn lại phân tán rộng hơn. Tuy nhiên, điểm chung là cả phường Sài Gòn và Tân Sơn Hòa đều có lợi thế vượt trội về hạ tầng thương mại, kết nối giao thông và năng lực hành chính địa phương.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Link nội dung: https://www.thuongtruong.net/sieu-phuong-moi-noi-tai-ha-noi-tphcm-a136674.html