Thủ tướng yêu cầu tăng tốc hoàn thành 100.000 căn nhà ở xã hội

Kết luận Hội nghị Chính phủ với các địa phương đầu tiên sau khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu giải ngân 100% vốn đầu tư công và hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước, 100.000 căn nhà ở xã hội.

Chiều 3/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương tháng 6/2025.

Phiên họp tập trung đánh giá tình hình kinh tế - xã hội các tháng đầu năm và giao nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Về kết quả đạt được, hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông. Đưa vào khai thác thêm 6 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên 2.268 km (dự kiến đến cuối năm vượt 3.000 km).

Ngày 19/4/2025 đồng loạt khởi công, khánh thành 80 công trình lớn trên cả nước gồm cả công trình của nhà nước và của khu vực tư nhân. Tích cực hoàn thành thủ tục, chuẩn bị giải phóng mặt bằng để khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vào tháng 12/2025, đẩy mạnh làm thủ tục đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo tại phiên họp. Đồng thời, định hướng trong tháng 7, quý 3 và đến cuối năm 2025, Thủ tướng nhấn mạnh các quan điểm chỉ đạo, điều hành.

Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo vận hành chính quyền địa phương 2 cấp bảo đảm thông suốt, nhịp nhàng, hiệu quả với các nhiệm vụ gồm: Không để người dân, doanh nghiệp nào không được giải quyết thủ tục hành chính hoặc thủ tục kéo dài; không để các dự án đang triển khai bị đứt gãy, không có người chịu trách nhiệm, không để lãng phí nguồn lực, bảo đảm thực hiện các chương trình mục tiêu, dự án lớn.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu 3 tăng tốc, gồm: Tăng tốc, tập trung huy động tổng đầu tư toàn xã hội tăng từ 11-12% so với năm 2024 để phục vụ mục tiêu tăng trưởng; tăng tốc, bứt phá giải ngân 100% vốn đầu tư công trước 31/12/2025; tăng tốc, dồn lực để hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công trước 27/7, và hoàn thành vượt mức kế hoạch xây dựng 100.000 căn nhà ở xã hội trước 31/12/2025.

Thời gian qua, Thủ tướng đã chủ trì nhiều hội nghị và có nhiều chỉ đạo về phát triển nhà ở xã hội. Gần đây nhất, ngày 27/2, Thủ tướng đã ký Quyết định số 444/QĐ-TTg giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội trong năm 2025 và đến năm 2030 để các địa phương bổ sung vào chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, giai đoạn 2025-2030 cả nước phải hoàn thành 995.445 căn hộ để có thể đạt được mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, nhà ở xã hội được Nhà nước ban hành một số cơ chế, chính sách để giảm chi phí, giảm giá thành, nhưng chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn phải bảo đảm; hạ tầng giao thông, xã hội, y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, điện nước… phải đồng bộ, thuận lợi.

Thủ tướng đánh giá, vừa qua, việc xây dựng nhà ở xã hội đã có kết quả, tiến bộ, chuyển biến nhất định, nhưng so với yêu cầu, mong muốn thì chưa đạt. Trên địa bàn cả nước đã có 655 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 593.428 căn. Tuy nhiên, còn nhiều địa phương có kết quả thực hiện chậm so với kế hoạch đăng ký tại Đề án. Việc giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội còn chậm và có khó khăn. Vẫn còn vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội trong tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, chỉ định thầu, tín dụng, chính sách ưu đãi…

Trước đó, người đứng đầu Chính phủ đã có những chỉ đạo "nóng" liên quan đến thị trường bất động sản.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nghiên cứu giải pháp liên quan giải phóng mặt bằng phù hợp tình hình, nêu cao vai trò của chính quyền địa phương trong giải phóng mặt bằng. Các địa phương rà soát các dự án vướng mắc về pháp lý, đề xuất cơ chế để tháo gỡ, tạo quỹ đất để phát triển bất động sản nhà ở ở những khu vực kém thuận lợi hơn.

Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương kiểm tra, kịp thời tháo gỡ cho các dự án bất động sản còn khó khăn. Nghiên cứu tích hợp quy định về các thủ tục đầu tư thành một nghị định; khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà ở kết nối cơ sở dữ liệu về dân cư; Nghiên cứu mô hình trung tâm giao dịch bất động sản và giao dịch đất do Nhà nước quản lý...

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì cùng Bộ Tài chính rà soát các quy định về đất đai, thủ tục định giá đất, nếu cần thì phải sửa các quy định hiện hành. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đánh giá, ban hành bảng giá đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, nâng cao mức đặt cọc trong đấu giá đất, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại về cho vay nhà ở, góp phần tăng trưởng tín dụng; cắt giảm các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, không được tiếp tay cho vi phạm thao túng để tạo mặt bằng giá mới, giá ảo.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng chủ trì đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành trên 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển trong 2025; thực hiện ngay các giải pháp đối với giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao theo Công điện số 85/CĐ-TTg ngày 10/6/2025.


Link nội dung: https://www.thuongtruong.net/thu-tuong-yeu-cau-tang-toc-hoan-thanh-100000-can-nha-o-xa-hoi-a136313.html