Chương trình nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đồng thời gắn kết với Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân dựa trên mô hình liên kết 3 nhà: Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp.
Đến dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chính sách - Chiến lược Trung ương, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; lãnh đạo các tỉnh, thành; đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước và quốc tế, các nhà khoa học.

Ông Trần Lưu Quang phát biểu tại sự kiện.
Phát biểu tại sự kiện, Ông Trần Lưu Quang đánh giá cao mô hình hợp tác "3 nhà" do ĐHQG –TPHCM triển khai, khẳng định đây là con đường duy nhất để đưa Việt Nam phát triển. Để thúc đẩy mô hình hợp tác này, lãnh đạo các địa phương cần dũng cảm hơn, tự tin hơn, bám vào Nghị quyết và vận dụng linh hoạt các quy định, không né, đùn đẩy để thực hiện các quyền mà Trung ương đã phân cấp.
Ông Quang cũng thẳng thắn nhìn nhận, quá trình triển khai còn đối mặt với nhiều thách thức khi cơ chế còn nhiều vướng mắc, thủ tục hành chính phức tạp. "Các cấp chính quyền cần chủ động, linh hoạt cắt giảm thủ tục hành chính… để tạo đột phá trong thực hiện. Sự hợp tác này cần có một lối đi riêng giống như xe cứu hỏa, xe cứu thương, dịch vụ BRT… được ưu tiên, để tạo nên sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả và các bên cùng đạt được mục tiêu đã đề ra. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần ngồi lại với nhau, chủ động hơn trong hợp tác, cả trong đầu tư, chia sẻ nguồn lực, cũng như định hướng đào tạo, từ đó hình thành cơ chế phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả. Đồng thời, cần thành lập một quỹ riêng để hỗ trợ triển khai các mô hình hiệu quả, nhanh chóng và kịp thời".
Tại buổi ra mắt Chương trình, ĐHQG-HCM đã ký kết hợp tác với 10 doanh nghiệp như VNG, ACB, Cottecons…. nhằm thống nhất thực hiện khung hợp tác chung trên 6 lĩnh vực ưu tiên: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, Ứng dụng chuyển đổi số, Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, Phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội và Xây dựng chính sách, cơ chế phối hợp "ba nhà".
Ngoài khung hợp tác chung, các doanh nghiệp còn công bố một số nội dung hợp tác chuyên biệt, căn cứ theo nhu cầu và lĩnh vực hoạt động đặc thù của doanh nghiệp.
Đáng chú ý trong số này, VNG cam kết phối hợp cùng Đại học Quốc gia TP.HCM và các trường thành viên đào tạo ít nhất 1.000 sinh viên chất lượng cao thông qua các chương trình liên kết giữa hai bên, đồng thời dự kiến hỗ trợ 25 tỷ đồng cho các hoạt động Nghiên cứu & Phát triển trong vòng 3 năm tới.

Đại diện VNG ký kết hợp tác cùng ĐH Quốc Gia HCM.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng sẽ triển khai các sáng kiến thúc đẩy khởi nghiệp và thương mại hóa sáng kiến khoa học – công nghệ. VNG sẽ mở một Phòng Thí nghiệm & Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo ngay tại trụ sở VNG Campus, tài trợ không gian làm việc và năng lực điện toán GPU cho các nhóm nghiên cứu của trường đại học hoặc độc lập bên ngoài, giống với mô hình Không gian làm việc chung – co-working space. Những hỗ trợ này từ VNG nhằm tạo điều kiện để các nhóm nghiên cứu công bố kết quả trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín, hay xa hơn là có cơ hội tham gia trình bày tại các hội thảo chuyên ngành hàng đầu về trí tuệ nhân tạo, giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ nghiên cứu khoa học của thế giới.
Chia sẻ tại sự kiện, bà Trần Xuân Ngọc Thảo, Giám đốc Nhân sự và Truyền thông VNG cho biết: "Từ thực tế hoạt động, VNG xác định sự hợp tác sâu rộng giữa Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp không chỉ là định hướng chính sách, mà thực sự là xu thế tất yếu, là giải pháp nền tảng cho bài toán nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy đổi mới sáng tạo quốc gia".

Đại diện VNG ký kết hợp tác cùng ĐH Quốc Gia HCM.
Hiện nay, VNG có gần 1.000 nhân viên - trên tổng số hơn 3.200 nhân sự đang làm việc, là cựu sinh viên của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, nhiều nhân sự trong số đó đang giữ các vị trí trọng yếu tại các mảng Kỹ thuật, Sản phẩm và Dữ liệu. Những con số "biết nói" này đã cho thấy tầm quan trọng cũng như hiệu quả của việc hợp tác sâu rộng, thực chất giữa doanh nghiệp và Nhà trường, đặc biệt là khi Việt Nam đang xác định dùng Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực đột phá cho tăng trưởng.