Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam không chỉ là mục tiêu chiến lược, mà còn là yêu cầu tất yếu để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, tạo động lực tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế.
Muốn vậy, thị trường phải minh bạch, đặc biệt là minh bạch sở hữu trong hệ thống ngân hàng - kênh huy động vốn chủ lực hiện nay. Vì thế, quy định hạ ngưỡng công bố cổ đông từ sở hữu từ 5% xuống 1% vốn điều lệ trong Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi 2024 được xem là bước tiến quan trọng, mở đường cho minh bạch hóa sở hữu.
Tạo áp lực để các cổ đông lớn phải sòng phẳng trong quan hệ sở hữu
Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng đánh giá, quy định yêu cầu công bố thông tin cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ thay vì 5% như trước, là một bước tiến lớn, giúp tăng cường minh bạch sở hữu ngân hàng.
Điều này giúp mở rộng phạm vi giám sát, cho phép Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và công chúng nắm rõ hơn cơ cấu sở hữu, đặc biệt với các nhóm cổ đông nhỏ nhưng có tiềm năng liên kết tạo ảnh hưởng, từ đó hạn chế sở hữu chéo và thao túng ngân hàng.
Quy định này cũng tăng trách nhiệm giải trình thông qua yêu cầu công khai chi tiết thông tin cổ đông (họ tên, số định danh, quốc tịch, người liên quan) trên website TCTD, đồng thời phù hợp với chuẩn quốc tế như Basel III, nâng uy tín hệ thống ngân hàng Việt Nam.
PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng.
Đồng quan điểm với ông Hùng, luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm, việc hạ ngưỡng công bố từ 5% xuống 1% là một quyết sách đúng và rất cần thiết trong bối cảnh hệ thống ngân hàng đang từng bước tái cấu trúc theo hướng minh bạch, chuyên nghiệp hơn.
"Trước đây, không ít cổ đông thực chất có quyền chi phối ngân hàng nhưng vẫn "ẩn danh" thông qua việc chia nhỏ tỉ lệ sở hữu hoặc nhờ người đứng tên hộ.
Những cấu trúc sở hữu này không chỉ phổ biến trong nội địa mà còn liên quan đến các pháp nhân ở nước ngoài, quỹ đầu tư trung gian, hoặc thậm chí là mạng lưới sở hữu chéo xuyên ngành. Ngưỡng công bố cổ đông sở hữu từ 5% vốn vì vậy trở nên lỏng lẻo trong giám sát.
Việc áp dụng mức công bố cổ đông sở hữu từ 1% vốn và người có liên quan không chỉ giúp cơ quan quản lý nắm bắt quyền lực thực tế trong ngân hàng, mà còn tạo áp lực để các cổ đông lớn phải sòng phẳng, rõ ràng trong quan hệ sở hữu.
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), việc các tổ chức tín dụng cần minh bạch cổ đông sở hữu từ 1% vốn là quá hợp lý. Điều này giúp nhà đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng cảm thấy yên tâm hơn.
"Nếu đã mạnh dạn đầu tư vào thị trường thì cần cho mọi người biết mình là ai, khả năng tài chính thế nào chứ không thể chỉ mượn tên để niêm yết. Tại sao phải giấu? Giấu thì sao có thể minh bạch, kiểm soát được sở hữu chồng chéo?", ông Hùng nêu quan điểm.
Vị chuyên gia này chỉ ra, muốn nâng hạng thị trường chứng khoán, điều đầu tiên là thị trường phải phát triển ổn định, đảm bảo minh bạch, rõ ràng và bền vững. Ông nhấn mạnh: "Không chỉ tổ chức tín dụng mà tất cả các doanh nghiệp trên sàn niêm yết đều cần công khai cổ đông sở hữu vốn".
Cần xem xét công bố toàn bộ danh sách cổ đông
Tuy vậy, "luật là một chuyện, thực thi có hiệu quả hay không lại là chuyện khác". Luật sư Trương Anh Tú cho rằng hiện nay đang thiếu một hệ thống dữ liệu sở hữu liên thông và theo dõi được lịch sử giao dịch liên quan đến cổ đông, đặc biệt là cổ đông lớn.
Ngân hàng có thể báo cáo đúng theo biểu mẫu, nhưng nếu cổ phần được chuyển nhượng qua các lớp pháp nhân khác nhau thì rất khó truy ra người sở hữu thực sự nếu không có công cụ hỗ trợ.
Ngoài ra, chế tài xử lý vẫn còn thiên về hành chính. Khi chưa có tiền lệ xử lý mạnh tay, thì việc tuân thủ đôi khi chỉ mang tính hình thức.
Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm.
Còn ông Phạm Mạnh Hùng thì nhìn nhận, gánh nặng hành chính khi phải công bố và kiểm soát thông tin cổ đông từ 1% trở lên sẽ là thách thức không nhỏ đối với các ngân hàng có số lượng cổ đông lớn.
Ngoài ra, việc thiếu công nghệ tiên tiến như phân tích dữ liệu lớn và giới hạn về năng lực kiểm tra khiến việc phát hiện các cấu trúc sở hữu phức tạp vẫn là thách thức lớn.
Để quy định công bố cổ đông sở hữu từ 1% vốn của TCTD thực sự phát huy hiệu quả, các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ. Thứ nhất, cần xây dựng hệ thống trung tâm dữ liệu sở hữu liên ngành, kết nối NHNN với các cơ quan chức năng khác để theo dõi lịch sử giao dịch, xác minh mối quan hệ giữa các cổ đông liên quan, đặc biệt là cổ đông lớn.
Thứ hai, ứng dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data) để bóc tách các mô hình sở hữu gián tiếp, phát hiện các giao dịch bất thường trong mạng lưới cổ đông.
Thứ ba, cần siết chặt chế tài xử lý vi phạm, không chỉ dừng ở xử phạt hành chính mà có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi che giấu sở hữu có dấu hiệu gian dối.
Ngoài ra, nên công khai toàn bộ danh sách cổ đông, không chỉ từ 1%, và yêu cầu công bố giao dịch cổ phần theo thời gian thực. Cần hoàn thiện định nghĩa "người liên quan" bằng cách quy định rõ cách xác minh quan hệ qua dữ liệu hộ tịch hoặc tài chính để tránh lạm dụng.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trương Anh Tú chỉ ra, việc tuân thủ pháp luật về công bố sở hữu cần được xem là một phần trong chiến lược quản trị rủi ro tổng thể chứ không phải đến khi có thanh tra mới bắt đầu "dọn dẹp" lại hồ sơ.
Doanh nghiệp, TCTD nên chủ động rà soát lại cấu trúc sở hữu, đánh giá mối quan hệ giữa các cổ đông liên quan, và thiết lập cơ chế báo cáo nội bộ sát thực tế, không chỉ để đáp ứng yêu cầu pháp luật, mà còn để bảo vệ chính mình khỏi rủi ro bị hiểu lầm hoặc vạ lây khi có vấn đề phát sinh từ đối tác, cổ đông.
Link nội dung: https://www.thuongtruong.net/minh-bach-so-huu-ngan-hang-siet-luat-chi-la-buoc-dau-a130113.html