Video từ trên cao cho thấy cảnh tượng "không tưởng" tại Trung Quốc: Đây là cách họ thống trị lĩnh vực này

Quốc gia này đi sau nhưng lại vượt trước trong đường đua năng lượng.

Một video đã lan truyền trên mạng xã hội tiết lộ cảnh quan ấn tượng: Toàn bộ dãy núi của tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, đã được phủ bằng các tấm pin mặt trời. Khi nhìn từ trên cao, mọi người mới có thể hình dung ra quy mô của những trang trại năng lượng mặt trời. Đây cũng là minh chứng cho sự thống trị của Trung Quốc trong sản xuất năng lượng mặt trời trên thế giới.

Quý Châu, với địa hình hiểm trở, thời tiết khó lường và tiềm năng nông nghiệp thấp, đã trở thành một ví dụ điển hình trong câu chuyện thành công về năng lượng tái tạo của Trung Quốc. Hệ thống năng lượng mặt trời đầu tiên tại tỉnh này ra mắt vào năm 2015, nhưng chỉ trong thời gian gần đây, sự tăng trưởng đáng kể mới bắt đầu. Vào năm 2018, năng lượng mặt trời tại Quý Châu đã tạo ra 1,75 triệu kilowatt mỗi năm. Với sự hỗ trợ của các ưu đãi như trợ cấp của chính phủ, tài trợ ngân hàng dễ dàng và diện tích đất chưa sử dụng rộng lớn, năng lượng mặt trời tại Quý Châu đã tăng từ 1,75 triệu kilowatt vào năm 2018 lên 10 triệu kilowatt vào năm 2020 và sau đó lên tới 15 triệu kilowatt vào năm 2023.

Sự gia tăng năng lượng mặt trời này là một thành phần quan trọng trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm tăng gấp 3 sản lượng năng lượng tái tạo vào năm 2030, có thể đạt được sớm hơn dự kiến. Đến năm 2024, Trung Quốc chiếm tới 64% tổng số các dự án năng lượng mặt trời và gió quy mô tiện ích toàn cầu, với 339 gigawatt giờ năng lượng tái tạo đang được xây dựng, vượt xa 72 gigawatt của bốn quốc gia tiếp theo: Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Brazil và Tây Ban Nha.

Video từ trên cao cho thấy cảnh tượng "không tưởng" tại Trung Quốc: Đây là cách họ thống trị lĩnh vực này- Ảnh 1.

Ảnh: Yahoo

Trong khi Trung Quốc vẫn còn rất phụ thuộc vào than đá (khoảng 57% lưới điện), thì rõ ràng không thể phủ nhận quốc gia này đang có những bước tiến lớn hướng tới năng lượng tái tạo. 

Có thể nói, Trung Quốc thống trị thế giới về sản xuất tấm pin mặt trời. Polysilicon là vật liệu chính để làm nên các tấm pin. Việc sản xuất và tinh chế nó từ nguyên liệu thô tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Các nhà máy sản xuất của quốc gia tỷ dân sử dụng than, nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất, làm nguồn năng lượng cho các nhà máy polysilicon của họ.

Vì than đá rẻ, điều này cũng làm giảm chi phí sản xuất tấm pin mặt trời tại Trung Quốc thay vì sử dụng năng lượng đắt hơn hoặc sạch hơn. Polysilicon là sản phẩm được làm từ cát thạch anh, một thành phần chính của tấm pin mặt trời hoặc mô-đun. Việc biến đổi thạch anh thành polysilicon đòi hỏi nhiệt độ rất cao và trải qua một quá trình tinh chế phức tạp bằng cách sử dụng hóa chất và chưng cất để chuyển đổi thạch anh thô thành polysilicon tinh khiết gần như 100%. Vào năm 2023, các công ty Trung Quốc đã sản xuất 93% polysilicon của thế giới.

“Michael Liebreich, một nhà phân tích kỳ cựu về công nghệ và kinh tế năng lượng sạch, đã nói theo cách này: vào năm 2004, thế giới mất cả một năm để lắp đặt một gigawatt công suất điện mặt trời; vào năm 2010, mất một tháng; vào năm 2016, mất một tuần. Vào năm 2023, chỉ trong một ngày, nhân loại đã chứng kiến một gigawatt được lắp đặt trên toàn thế giới. 

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) lưu ý rằng việc mua và lắp đặt tấm pin mặt trời hiện là khoản đầu tư quan trọng nhất vào sản xuất năng lượng với mức 500 tỷ USD, gần bằng khoản đầu tư vào khai thác dầu khí thượng nguồn. 

Video từ trên cao cho thấy cảnh tượng "không tưởng" tại Trung Quốc: Đây là cách họ thống trị lĩnh vực này- Ảnh 2.

Ảnh: Mạng xã hội X

Hiệp hội Năng lượng Mặt trời Quốc tế cũng dự đoán rằng đến năm 2026, năng lượng mặt trời sẽ tạo ra nhiều năng lượng hơn tất cả các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới, nhiều hơn tua-bin gió vào năm 2027, nhiều hơn đập vào năm 2028, nhiều hơn nhà máy điện chạy bằng khí đốt vào năm 2030 và đến năm 2032, năng lượng mặt trời sẽ vượt quá năng lượng được tạo ra từ các nhà máy điện chạy bằng than.

Một bài báo được công bố vào năm 2022 bởi Rupert Way của Đại học Oxford và các đồng nghiệp dự đoán một "sự chuyển đổi nhanh chóng" vào năm 2070 nếu chi phí cho năng lượng mặt trời và các công nghệ mới khác tiếp tục giảm mạnh. Đến năm 2070, pin mặt trời sẽ trở thành nguồn năng lượng quan trọng, vượt trội hơn các nguồn năng lượng khác, bao gồm nhiên liệu hóa thạch và các năng lượng tái tạo khác.


Theo Wonderful Engineering, Climate Adaption Platform

Link nội dung: https://www.thuongtruong.net/video-tu-tren-cao-cho-thay-canh-tuong-khong-tuong-tai-trung-quoc-day-la-cach-ho-thong-tri-linh-vuc-nay-a130069.html