Quý I/2025 ghi nhận bức tranh phân hóa rõ nét trong kết quả kinh doanh của các bệnh viện tư nhân. Trong khi một số đơn vị duy trì đà tăng trưởng nhờ kiểm soát tốt chi phí, các bệnh viện khác lại đối mặt với khoản lỗ lớn do áp lực chi phí và đầu tư mở rộng.
Doanh nghiệp lãi lớn nhờ tối ưu chi phí
Công ty Cổ phần Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Triều An là điểm sáng đáng chú ý với kết quả kinh doanh tích cực.
Theo đó, doanh thu khám bệnh của Triều An trong quý I/2025 đạt 186 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.,Trong kỳ, dù giá vốn hàng bán tăng nhưng chậm hơn mức tăng của doanh thu nên lợi nhuận gộp trong kỳ của Triều An ghi nhận tăng 13% lên 42,7 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, các khoản chi phí trong quý của bệnh viện đều tiết giảm so với quý I/2024. Trong đó, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 20% xuống còn 112 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, Bệnh viện Triều An báo lãi 26 tỷ đồng trong quý I/2025, tăng 22% so với cùng kỳ; tăng mạnh so với khoản lỗ kỷ lục 13 tỷ đồng vào quý trước đó.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Tim Tâm Đức (UPCoM: TTD) cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực với doanh thu đạt gần 180 tỷ đồng trong quý I/2025, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Song, giá vốn hàng bán lại ghi nhận giảm nhẹ, đẩy lợi nhuận gộp của công ty lên 37 tỷ đồng, tăng 8%. Sau khi trừ các chi phí, Bệnh viện Tim Tâm Đức báo lãi 16,5 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ.
Áp lực chi phí "nhấn chìm" lợi nhuận
Trái ngược với các doanh nghiệp trên, Theo đó, doanh thu thuần của Công ty Cổ phần Tập đoàn Bệnh viện TNH (HoSE: TNH) trong kỳ đạt 93 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, giá vốn hàng bán trong kỳ của Bệnh viện TNH ghi nhận tăng vọt tới 54% lên 100,9 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn nên lợi nhuận gộp của bệnh viện trên lao dốc xuống âm 7,5 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chi phí tài chính trong kỳ đạt 10,8 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ, chủ yếu đến từ chi phí lãi vay. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng đạt 1,1 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 15 tỷ đồng; tăng lần lượt 82% và 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Kinh doanh dưới giá vốn và chi phí phát sinh hàng loạt dẫn đến việc Bệnh viện TNH lỗ sau thuế 34,8 tỷ đồng trong quý I/2025, giảm đáng kể so với khoản lãi 15 tỷ đồng ghi nhận vào cùng kỳ năm trước. Đây cũng là khoản lỗ lớn nhất lịch sử kinh doanh của công ty.
Giải trình về chênh lệch lợi nhuận, công ty cho biết nguyên nhân giá vốn hàng bán tăng là do Bệnh viện TNH Việt Yên mới đi vào hoạt động, kéo theo các khoản chi phí lớn liên quan đến vận hành, bao gồm chi phí khấu hao tài sản mới đưa vào sử dụng, chi phí lãi vay và chi phí nhân sự đều ở mức tương đối cao so với doanh thu ghi nhận trong kỳ.
Bên cạnh đó, công ty cũng cho biết đã điều chỉnh đồng loạt mức thu nhập của người lao động toàn công ty để người lao động yên tâm công tác, gắn bó lâu dài.
Trong khi đó, Bệnh viện Giao thông Vận tải cho thấy những tín hiệu phục hồi tích cực dù vẫn đang thua lỗ. Theo đó, quý I/2025, Bệnh viện Giao thông Vận tải ghi nhận doanh thu thuần đạt 55,3 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu từ cung cấp dịch vụ y tế chiếm phần lớn 98% cơ cấu với 54,5 tỷ đồng. Còn lại doanh thu đến từ bán dược phẩm.
Bất chấp chi phí hàng bán ra tăng, lợi nhuận gộp trong kỳ của bệnh viện vẫn tăng vọt từ 813 triệu đồng lên 5,4 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, ngoại trừ việc không ghi nhận chi phí tài chính, các khoản còn lại của Bệnh viện Giao thông Vận tải đều phát sinh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, chi phí bán hàng đạt 398 triệu đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 7,9 tỷ đồng; tương đương tăng lần lượt hơn 4 lần và 31% so với quý I/2024.
Sau khi trừ các chi phí, Bệnh viện Giao thông Vận tải đã thu hẹp khoảng lỗ từ 4,1 tỷ đồng vào quý I/2024 xuống còn lỗ 2 tỷ đồng vào quý I/2025.
Về triển vọng năm 2025, theo báo cáo của SSI Research, ngành y tế được kỳ vọng tăng trưởng ở cả 3 kênh như bệnh viện, thuốc kê đơn và bán lẻ. Doanh thu của các doanh nghiệp được SSI theo dõi dự báo tăng 12%, vượt mức trung bình ngành trong 2 năm gần đây, trong khi lợi nhuận có thể tăng tới 22%, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ sau một năm 2024 đầy thách thức.
Quý I/2025 các bệnh viện tư nhân ghi nhận xu hướng đối ngược khi một số đơn vị ghi nhận nhờ tối ưu hóa chi phí thì nhiều nơi lại chật vật vì gánh nặng đầu tư.
Tuy nhiên, SSI cũng lưu ý rủi ro tỉ giá có thể làm gia tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu trong năm tới. Ngoài ra, tác động tích cực từ các khoản đầu tư theo định hướng chính sách có thể cần từ 1–2 năm để thực sự thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp.
Trong ngắn hạn, Thông tư 07 tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng doanh thu, có lợi cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước, trong khi gây bất lợi cho nhóm nhập khẩu. Đáng chú ý, mảng bệnh viện tư nhân cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng, nhất là các bệnh viện đa khoa tư nhân từ 50 giường trở lên tại các tỉnh, góp phần cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao mà không cần chuyển lên Hà Nội hay Tp.HCM.
Hiện tại, tỉ lệ giường bệnh tư nhân mới đạt khoảng 5,8% tổng số giường bệnh trên cả nước, vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu 10% mà Chính phủ đặt ra trước năm 2025.
Link nội dung: https://www.thuongtruong.net/loi-nhuan-phan-hoa-sau-tai-benh-vien-tu-trong-quy-i2025-a129745.html