Top doanh nghiệp lãi lớn: Việt Nam khác Mỹ và Trung Quốc ở điểm nào?

Trong khi các tập đoàn công nghệ tiếp tục áp đảo về lợi nhuận ở Mỹ thì tại Việt Nam, ngành ngân hàng là số 1. Còn Trung Quốc cũng đang ra sức thay đổi.

Tính đến đầu tháng 5, bức tranh lợi nhuận quý I/2025 của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã dần rõ nét. Ngành ngân hàng tiếp tục giữ vị trí quán quân, khi chiếm tới 8/10 vị trí dẫn đầu về lợi nhuận. Nếu mở rộng danh sách lên top 20, các ngân hàng góp mặt tới 12 cái tên.

Các ngành lãi lớn

Đây là điều thường thấy trong nhiều năm qua, bởi Việt Nam là nền kinh tế mới nổi, đang trên đà phát triển mạnh. Nền kinh tế phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, bất động sản khu công nghiệp và tiêu dùng cá nhân.

Trong top 10 về lợi nhuận quý I, CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam Vefac (VEF) có lợi nhuận cao nhất, đạt hơn 18.600 tỷ đồng (710 triệu USD). Vingroup (VIC) - tập đoàn do tỷ phú Phạm Nhật Vượng làm chủ tịch - nắm giữ hơn 83% cổ phần VEF. Đứng thứ 5 về lợi nhuận trong quý I cũng chính là Vingroup.

Còn lại, 8 cái tên khác đều là các ngân hàng, lần lượt gồm Vietcombank (gần 10.900 tỷ đồng), MB - MBB (gần 8.400 tỷ đồng), BIDV (7.400 tỷ đồng), Techcombank (7.200 tỷ đồng), VietinBank (6.800 tỷ đồng), HDBank (5.400 tỷ đồng), VPBank (5.000 tỷ đồng) và ACB (4.600 tỷ đồng).

Tại Trung Quốc, theo các báo cáo chưa đầy đủ, nhóm ngân hàng vẫn chiếm ưu thế về lợi nhuận trong quý I/2025 và cả năm 2024. Các tên tuổi dẫn đầu gồm Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) với lợi nhuận hơn 11,6 tỷ USD trong quý I/2025, tiếp theo là Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC), Bank of China (BOC) và Tập đoàn tài chính ngân hàng Bank of Communications.

doanh nghiep viet nam anh 1

Trong khi các tập đoàn công nghệ tiếp tục thống trị về lợi nhuận tại Mỹ, thì ngành ngân hàng giữ vị trí số 1 tại Việt Nam. Ảnh: Nikkei.

Tuy nhiên, Trung Quốc bắt đầu có xu hướng đa dạng hơn khi xuất hiện các doanh nghiệp công nghệ, như Tencent lãi gần 26,9 tỷ USD trong năm 2024 hay Alibaba, Xiaomi. Lĩnh vực năng lượng có Sinopec. Ông lớn ôtô (BYD), tiện ích (Tập đoàn lưới điện Trung Quốc State Grid), Rượu Mao Đài Kweichow Moutai Co., Ltd... cũng thường góp mặt trong top 10.

Trong khi đó, tại Mỹ, các ông lớn công nghệ vẫn thống trị bức tranh lợi nhuận. Trong top 10 doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất, có các tên tuổi như Apple (36,3 tỷ USD trong quý I/2025), Microsoft, Alphabet (Google), Meta, Amazon, Nvidia.

Các doanh nghiệp ngoài lĩnh vực công nghệ như JPMorgan Chase (ngân hàng), Berkshire Hathaway (đầu tư), ExxonMobil (năng lượng), Johnson & Johnson (chăm sóc sức khỏe - dược phẩm y tế) chỉ chiếm số ít.

Như vậy, có thể thấy tại Mỹ, công nghệ là "ông vua lợi nhuận", trong khi ở Việt Nam và Trung Quốc, ngành ngân hàng vẫn giữ vai trò trụ cột.

Tại Việt Nam, ngoài khối ngân hàng, nhóm doanh nghiệp bất động sản cũng góp mặt trong danh sách top lợi nhuận, với hai đại diện đáng chú ý. Ở Trung Quốc, lĩnh vực công nghệ đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành nguồn lợi nhuận lớn cho các tập đoàn và tỷ phú nước này. Bên cạnh đó, năng lượng và sản xuất vẫn là những thế mạnh truyền thống, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng lợi nhuận.

Sự khác biệt nổi bật

Có thể thấy, số liệu 8/10 doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất tại Việt Nam thuộc ngành ngân hàng một lần nữa khẳng định vai trò trung tâm của tín dụng trong nền kinh tế đang phát triển. Trong nhiều giai đoạn, chính sách vĩ mô và tín dụng đã được điều chỉnh theo hướng hỗ trợ tăng trưởng: tín dụng nới lỏng, lãi suất duy trì ở mức thấp, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu vay vốn đầu tư vào bất động sản, sản xuất và tiêu dùng.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, ngành ngân hàng và năng lượng vẫn quan trọng. Các ngân hàng quốc doanh như ICBC và CCB đóng vai trò kênh dẫn vốn chính cho các doanh nghiệp nhà nước (SOEs) và các dự án chiến lược trong kế hoạch “Made in China 2025”.

Các ngân hàng này được hỗ trợ bởi chính sách ưu đãi và quy mô tài sản khổng lồ, giúp duy trì lợi nhuận cao. Chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng, cùng với chiến lược kích cầu nội địa, tạo điều kiện cho ngân hàng cung cấp tín dụng với lãi suất ưu đãi, đảm bảo lợi nhuận ổn định.

Nhưng sự nổi lên của các ông lớn công nghệ tại Trung Quốc (như Tencent, Alibaba) và sản xuất xe điện/pin (BYD, CATL) cho thấy sự chuyển dịch sang các ngành công nghệ cao.

Tại Mỹ, công nghệ chiếm 60% top 10 về lợi nhuận cao nhất, với các gã khổng lồ như Apple, Microsoft và NVIDIA dẫn đầu nhờ đổi mới và quy mô toàn cầu.

Mỹ là nền kinh tế dẫn đầu toàn cầu về đổi mới sáng tạo và công nghệ, nghiên cứu và phát triển (R&D), đặc biệt trong AI, bán dẫn (Nvidia) và điện toán đám mây (Microsoft, Amazon). Hệ sinh thái thung lũng Silicon, với các trường đại học hàng đầu (Stanford, MIT) và quỹ đầu tư mạo hiểm, thúc đẩy sự ra đời của các công ty công nghệ tỷ USD. Đây là môi trường lý tưởng cho sự hình thành các tập đoàn công nghệ có vốn hóa hàng nghìn tỷ USD. Các doanh nghiệp công nghệ của Mỹ đã trở thành các nền tảng toàn cầu (Google, Apple, Meta), đóng vai trò hệ sinh thái cốt lõi.

Việt Nam và Trung Quốc dù đã có bước tiến về công nghệ, nhưng quy mô và tầm ảnh hưởng vẫn chưa đủ để tạo ra lợi nhuận vượt trội như các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ.

Sự trỗi dậy của các doanh nghiệp như BYD (xe điện), Xiaomi (AI, điện tử) và Tencent (nội dung số) cho thấy Trung Quốc đang chuyển dần từ một nền kinh tế dựa vào sản xuất quy mô sang đổi mới sáng tạo và tiêu dùng nội địa, mang lại lợi nhuận đáng kể.

Dù vậy, Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể trong ngành công nghệ, đặc biệt là xe điện (BYD) và pin năng lượng (CATL) và gần đây là DeepSeek. Tuy nhiên, hạn chế là các công ty công nghệ Trung Quốc, như Tencent và Alibaba, vẫn phụ thuộc vào thị trường nội địa, doanh thu quốc tế hạn chế so với các gã khổng lồ Mỹ.

Với nguồn lực tài chính dồi dào và số lượng kỹ sư lớn nhất thế giới, Trung Quốc được dự báo có thể thu hẹp khoảng cách với Mỹ trong các lĩnh vực như AI và bán dẫn trong 10-20 năm tới.

Link nội dung: https://www.thuongtruong.net/top-doanh-nghiep-lai-lon-viet-nam-khac-my-va-trung-quoc-o-diem-nao-a129435.html