Xanh SM đi giao đồ ăn, cạnh tranh với Grab và ShopeeFood

Xanh SM chính thức ra mắt nền tảng Xanh SM Ngon. Chương trình hiện áp dụng tại Hà Nội, ưu tiên các cơ sở có giấy phép kinh doanh và chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xanh SM lấn sân mảng giao đồ ăn. Ảnh: Xanh SM.

Sau thời gian thử nghiệm, hãng gọi xe điện Xanh SM chính thức ra mắt nền tảng Xanh SM Ngon, cung cấp dịch vụ giao đồ ăn tại Hà Nội. Đây là bước mở rộng mới trong hệ sinh thái vận chuyển sử dụng phương tiện xanh của hãng.

Theo giới thiệu, Xanh SM Ngon hướng đến nhóm đối tác là nhà hàng, quán ăn, tiệm đặc sản hoạt động tại Hà Nội. Nền tảng cam kết miễn phí đăng ký, duyệt hồ sơ nhanh, phí dịch vụ linh hoạt và đội ngũ giao hàng “xanh - sạch - chuyên nghiệp”. Ngoài ra, các nhà hàng có thể lựa chọn tự giao hàng hoặc tích hợp cùng hệ thống giao vận của hãng.

Dịch vụ này hiện áp dụng tại Hà Nội, ưu tiên các cơ sở có giấy phép kinh doanh và chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Hình thức giao hàng do nhà hàng tự triển khai hoặc phối hợp cùng nền tảng.

Các mô hình được tiếp cận bao gồm nhà hàng, food court, quán ăn gia đình, đến các tiệm món riêng như bún, phở, chay, nướng…

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, một nguồn tin tại Xanh SM Ngon cho biết hãng sẽ áp dụng mức hoa hồng 20% với đối tác nhà hàng.

Trước đó, hồi tháng 2, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc Toàn cầu Công ty GSM, cho biết Xanh SM đang nghiên cứu mảng giao đồ ăn tại Việt Nam.

Vị này đánh giá mảng giao đồ ăn trực tuyến rất tiềm năng và còn nhiều dư địa để phát triển.

“Chúng tôi chào đón các ứng viên tiềm năng có kinh nghiệm xây dựng, vận hành và kinh doanh mảng giao đồ ăn về cùng trao đổi để xem liệu Xanh SM có nên gia nhập thị trường hay không”, ông Thanh chia sẻ trên trang cá nhân.

Theo báo cáo của hãng nghiên cứu Momentum Works, Việt Nam là thị trường giao đồ ăn tăng trưởng nhanh nhất khu vực trong năm 2024. Ước tính, quy mô GMV giao đồ ăn tại Việt Nam đã tăng 26% lên 1,8 tỷ USD.

Dẫu vậy, trong nhóm 6 quốc gia nổi bật, quy mô chi tiêu cho dịch vụ giao đồ ăn của Việt Nam vẫn ở mức thấp nhất dù có quy mô dân số hơn 100 triệu người cùng mức độ tiếp cận công nghệ cao.

Khác với các dịch vụ như vận chuyển hay giao hàng, thị trường giao đồ ăn Việt Nam tương đối cô đặc.

Hiện 2 "gã khổng lồ" ShopeeFood và Grab chia nhau phần lớn thị phần ở Việt Nam với tỷ lệ lần lượt là 47% và 48%. Thị phần ít ỏi còn lại thuộc về Be (4%) và Gojek (1%) - ứng dụng đã rời đi từ tháng 9/2024.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Link nội dung: https://www.thuongtruong.net/xanh-sm-di-giao-do-an-canh-tranh-voi-grab-va-shopeefood-a129342.html